(HNMO) - Ngày 20-10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Viết Thành |
6 "điểm sáng" của Thủ đô Hà Nội
Tại cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, việc Bộ Chính trị tổ chức buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ giúp Thủ đô kịp thời khắc phục những khó khăn, tạo tiền đề quan trọng để Thành ủy Hà Nội tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị trong những năm tới. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu, cụ thể hóa nghị quyết bằng việc xây dựng những chương trình, kế hoạch, đề án công tác cụ thể, có bước đi, lộ trình phù hợp. Thành phố cũng vận dụng sáng tạo các quan điểm chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của nghị quyết; đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất những cơ chế chính sách đặc thù để giải quyết có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Thủ đô. Đặc biệt, TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, điều hành, phân công rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân; chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn, chủ động giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tập thể Bộ Chính trị đã dành sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với Thủ đô Hà Nội trong suốt thời gian qua.
Báo cáo Bộ Chính trị về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Đảng bộ Hà Nội đã đạt được 6 kết quả nổi bật. Trong 5 năm (2011-2015), tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,57%/năm, vượt khoảng 2,56% so với mức tăng bình quân chung cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2011. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội năm 2016 xếp thứ 14/63, tăng 37 bậc so với năm 2012. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm đạt trên 755 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 7,3%/năm. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dự kiến đến cuối năm 2017 đạt 73,8%...
Đảng bộ Hà Nội cũng là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, với nhiều biện pháp, cách làm chủ động, sáng tạo. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của thành phố Hà Nội tiếp tục được đổi mới theo hướng quyết liệt, sâu sát, kịp thời, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là minh chứng khẳng định tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao và những cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô.
Để Thủ đô hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, thực hiện tốt vai trò là trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, TP Hà Nội kiến nghị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 11-NQ/TƯ. TP Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu một số vấn đề như: Quy hoạch chung đô thị vệ tinh, triển khai một số dự án xây dựng hạ tầng đô thị, cho phép thành phố được thực hiện hình thức thu tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% với các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên để phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung...
Mạnh dạn áp dụng cơ chế đặc thù cho Thủ đô
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương, tập thể Bộ Chính trị nhất trí cao với báo cáo, những kiến nghị, đề xuất của Thành ủy Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những kết của đạt được sau 5 năm đã cho thấy quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân Thủ đô. Chỉ rõ những thách thức lớn mà Hà Nội đang phải đối mặt trong quá trình quản lý siêu đô thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần tạo ra một không gian chính sách tốt hơn và gỡ bỏ những rào cản, góp phần đưa Thủ đô vào quỹ đạo phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Hà Nội nên mạnh dạn kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Cái gì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Hà Nội cần chủ động tích cực phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Thủ tướng cho ý kiến.
Các đồng chí thành viên Bộ Chính trị với lãnh đạo thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả mà TP Hà Nội đã đạt được, đồng thời khẳng định, Đảng bộ Hà Nội luôn chiếm vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng bởi thành phố có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, nói đến Thủ đô là nói tới trung tâm đầu não chính trị hành chính của quốc gia, bộ mặt của đất nước với lịch sử truyền thống văn hoá lâu đời. Hiện Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải giữ được bản sắc riêng của Hà Nội, giữ được hồn cốt của dân tộc, xây dựng văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chiều sâu, trí tuệ.
Tổng Bí thư lưu ý, với đặc thù quan hệ đối ngoại của Thủ đô ngày mở rộng, Hà Nội phải hết sức chú ý tới việc giữ ổn định chính trị, an ninh. Việc thiết lập quan hệ đối ngoại chặt chẽ với các quốc gia chính là thế mạnh, nguồn lực lớn, vì vậy, cần xây dựng hình ảnh một Hà Nội văn minh, lịch sự bởi công tác đối ngoại của Thủ đô không chỉ thực hiện cho Hà Nội mà còn là cho cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 40 vạn đảng viên, nhiều đảng viên đã và đang giữ trọng trách. Chính vì vậy, Đảng bộ Hà Nội phải gương mẫu đi đầu cả nước về kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh để thu hút nguồn lực xây dựng nhất nước. "Phải xắn tay áo cùng nhau làm việc, thu hút mọi nguồn lực, tinh hoa quốc tế để xây dựng Thủ đô trở thành “thành phố rồng bay”, văn hiến, thanh lịch, hoà bình, giữ được truyền thống văn hoá dân tộc từ thời cố đô Cổ Loa” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Đồng ý với kiến nghị của Đảng bộ Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thành phố đề xuất các vấn đề cần áp dụng cơ chế đặc thù, trình Chính phủ, Quốc hội sửa luật nếu cần. Cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội cần xây dựng theo hướng phù hợp để tất cả các cấp, ngành phải thu hút nguồn lực về Hà Nội đồng thời nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Về đề xuất tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu nên mạnh dạn cho Hà Nội triển khai thực hiện…
Bí Thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tập thể Bộ Chính trị và ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành trung ương, đồng thời khẳng định, Đảng bộ Hà Nội sẽ đề xuất thực hiện những hành động cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại, phấn đấu để xứng đáng với niềm tin của Bộ Chính trị cũng như của cả nước với Thủ đô Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.