(HNMO) - Tìm giải pháp bổ cập nước sông Tô Lịch, làm sống lại con sông này sau khi hoàn thành việc tách nước thải đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, là vấn đề đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân Thủ đô. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng để tìm hiểu rõ hơn nội dung này.
- Sau khi Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, nước thải từ sông Tô Lịch được tách dòng, xử lý, do đó lượng nước trên sông Tô Lịch sẽ bị thiếu hụt. Việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch đã được thành phố tính đến. Xin ông cho biết, hiện có bao nhiêu phương án bổ cập nước cho dòng sông này?
- Nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân và hướng tới sự phát triển bền vững, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai các giải pháp cải thiện xử lý ô nhiễm môi trường nước các con sông, trong đó có sông Tô Lịch. UBND thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, triển khai Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, gồm: Hệ thống cống bao dọc sông Tô Lịch thu gom nước thải phát sinh từ các khu dân cư xung quanh và Nhà máy xử lý nước thải tập trung Yên Xá, công suất 270.000m3/ngày. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thiện, đưa vào vận hành vào năm 2024.
Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu tìm phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Đây là một trong các giải pháp cải thiện môi trường và cảnh quan cho dòng sông này, nhất là sau khi hoàn thành việc tách nước thải. Trong thời gian qua, một số sở, ban, doanh nghiệp cũng nghiên cứu, đề xuất với UBND thành phố các phương án bổ cập nước sông Tô Lịch trong mùa khô. Đến thời điểm này, đã có 5 phương án được đưa ra.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về các phương án được đề xuất?
- Riêng về phương án lấy nước từ sông Hồng để bổ cập nước cho sông Tô Lịch, đã có 4 đề xuất. Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội đang khảo sát, đề xuất, báo cáo thành phố phương án lấy nước từ sông Hồng bổ cập vào thượng lưu sông Tô Lịch. Giải pháp là hợp phần dự án xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả Nhuệ.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Thế giới cũng đề xuất phương án chuyển nước từ sông Hồng qua hồ Tây đến sông Tô Lịch bằng phương án xây dựng trạm bơm chìm gần cầu Nhật Tân, công suất 5m3/giây và 2km đường ống.
Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đề xuất phương án bổ cập nước nhằm duy trì ổn định mực nước hồ Tây, cải thiện chất lượng nước hồ, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững cho các loại thủy sinh trong hồ cũng như tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường sinh thái, cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch bằng cách xây dựng trạm bơm cố định bổ cập nước tại sông Hồng, cách cầu Nhật Tân khoảng 600m về phía hạ lưu; trạm bơm chìm công suất 7.500m3/giờ, hệ thống tuyến ống dài 2.000m, hồ sơ lắng, đập cao su trên sông Tô Lịch.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng báo cáo đề xuất UBND thành phố lắp đặt khẩn cấp 8 máy bơm dã chiến lấy nước từ sông Hồng qua hệ thống kênh dẫn thượng lưu cống Liên Mạc, bổ cập nước cho sông Tô Lịch và sông Nhuệ, phục vụ công tác tưới tiêu nông nghiệp.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền đang nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cục bộ lưu vực S3 để xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải lưu vực S3, nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây. Nước sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây sẽ được bổ cập cho sông Tô Lịch từ thượng nguồn.
- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ vừa giao Sở Xây dựng tìm phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Đến thời điểm này đơn vị đã chốt phương án nào chưa, thưa ông?
- Các phương án nêu trên đều đang ở giai đoạn đề xuất ban đầu, cần nghiên cứu kỹ để lựa chọn phương án phù hợp trong điều kiện thực tế. Trên cơ sở quy hoạch cấp nước, thoát nước của thành phố, Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố rà soát về quy hoạch, Luật Đầu tư công, rà soát thực tế để lựa chọn phương án phù hợp báo cáo UBND thành phố xin chủ trương đầu tư dự án.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.