Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ và hai đồng minh quân sự truyền thống của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận thành lập liên minh an ninh ba bên.
Chỉ cần nghe đến mục đích của thỏa thuận này là "bảo đảm an ninh", thiên hạ luận đoán được ngay "bộ ba" ấy liên thủ để cùng đối phó thách thức và đe dọa an ninh từ đâu - từ Trung Quốc và Triều Tiên - và ở phạm vi địa lý nào - ở khu vực Đông Bắc Á và khu vực Biển Đông. Một mục đích khác nữa của liên minh an ninh này là nhằm tới ảnh hưởng và vai trò trên nhiều phương diện của công cuộc kiến tạo các cấu trúc và trật tự cho tương lai của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Rất nhanh chóng sau đó, "bộ ba" này đã hành động trên thực tế.
Trước tiên là cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên của họ sau 7 năm vào hồi đầu tháng 10. Sau đấy là cuộc tập trận không quân chung đầu tiên của "bộ ba" vừa mới đây. Cách đây không lâu, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã lại cập cảng ở Hàn Quốc sau nhiều thập kỷ vắng bóng. Trong cuộc tập trận không quân chung đầu tiên nói trên của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ sử dụng đến cả máy bay ném bom chiến lược B-52.
Những cuộc tập trận chung trên biển và trên không này được họ nhanh chóng tổ chức cho thấy, "bộ ba" không những chỉ coi trọng ý nghĩa chính trị và hiệu ứng tâm lý của việc hình thành liên minh an ninh ba bên mà còn cả tác động thực tế của nó. Thông điệp chung của họ là họ không nói suông mà hành động cụ thể, không những chỉ chơi cuộc chơi chính trị mà còn cả cuộc chơi về quân sự. "Bộ ba" này xem ra chủ ý phô trương sức mạnh, sự đồng thuận quan điểm và năng lực sẵn sàng phối hợp hành động để thị uy, cảnh báo và răn đe những đối thủ mà họ nhìn nhận gây ra cho họ thách thức và đe dọa an ninh trực tiếp cũng như tiềm tàng.
Cuộc tập trận không quân chung thậm chí còn là một phép thử về mức độ phản ứng và giới hạn hành động ứng phó của Triều Tiên vì máy bay B-52 được sử dụng mà ngay từ năm 2017, Triều Tiên đã dọa sẽ bắn hạ những máy bay ném bom chiến lược của Mỹ ở cả bên ngoài phạm vi không phận của Triều Tiên.
Hệ lụy trực tiếp của những cuộc tập trận chung này của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản là làm cho Trung Quốc quan ngại sâu sắc và tăng cường cảnh giác cũng như khiến Triều Tiên phản ứng quyết liệt. Xưa nay, Triều Tiên luôn coi những hành động quân sự như thế của ba nước này, dù là hành động riêng, hai bên hay ba bên, đều là hành động khiêu khích và đe dọa an ninh Triều Tiên. Vì thế, mối quan hệ giữa Triều Tiên với ba nước này sẽ ngày càng phức tạp và nhạy cảm, căng thẳng và thù địch.
Những cuộc tập trận chung này giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản báo hiệu "bộ ba" này rồi sẽ còn đi xa hơn nữa trong việc thử nghiệm và gây dựng vai trò chính trị an ninh ở cả bên ngoài khu vực Đông Bắc Á. Họ tận dụng danh nghĩa của liên minh an ninh ba bên để làm những việc và vươn tới những mục tiêu mà thông thường chỉ có thể đạt được với một liên minh quân sự ba bên thực thụ. Hiện tại, "bộ ba" này chủ ý hết sức tránh để bị thế giới bên ngoài cảm nhận là thành lập một dạng "NATO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Vì thế, tuy Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ từ rất nhiều thập kỷ nay, "bộ ba" này trên danh nghĩa chính thức vẫn mới chỉ hình thành liên minh an ninh ba bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.