(HNMO) - Hiện có một số bạn đọc phản ánh đến Báo Hànộimới và có ý kiến trên một số trang mạng xã hội, cho rằng, do công nghệ bluetooth ghi nhận lượt tiếp xúc gần, nên trường hợp người nhà bên cạnh cách 1 bức tường, hoặc ngồi trong ô tô lúc tắc đường, hay lúc chờ đèn tín hiệu giao thông bị Bluezone ghi nhận trở thành F1 với người là F0, vậy liệu có xảy ra việc bị cách ly...
Trả lời phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, chiều 10-8, đại diện Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, số lượt tiếp xúc nghĩa là số lần máy điện thoại của người này trao đổi thông tin với một máy điện thoại khác cũng cài Bluezone; bên cạnh đó cứ 15 phút mã Bluezone lại thay đổi một lần để bảo đảm tính ẩn danh nên nếu các máy điện thoại này ở gần nhau trong thời gian dài, số lượt tiếp xúc sẽ tăng dần.
Như vậy có nghĩa là người dùng có nhiều hơn 1 máy cài Bluezone, hoặc người hàng xóm hay có thiết bị di động nào đó cài Bluezone và có khoảng cách đủ gần với bạn.
"Người dùng không phải lo lắng về việc này vì mỗi khi có ca nhiễm hoặc ca nghi nhiễm, việc điều tra dịch tễ sẽ được tiến hành song song với sự hỗ trợ của hệ thống Bluezone chứ không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào lịch sử tiếp xúc" - đại diện Cục Tin học hóa khẳng định.
Cũng theo Cục Tin học hóa, tính đến 11h ngày 10-8, số lượt tải ứng dụng Bluezone đã đạt 14,9 triệu lượt, tăng 14,7 triệu lượt tải so với ngày 25-7-2020.
Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế tiếp tục là các địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ người dùng Bluezone (với tổng cộng 5,7 triệu người dùng) trên tổng số thuê bao điện thoại có dùng điện thoại thông minh. 5 địa phương: Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh có tổng cộng 4,6 triệu người dùng ứng dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.