Theo dõi Báo Hànộimới trên

Blog - đâu là giới hạn?

Văn Giang| 31/10/2010 06:41

(HNM) - Thời gian qua, một "thế giới ảo" sôi động và có những tác động khá lớn đến dư luận xã hội, được nhiều người biết đến, đó là blog nói riêng và mạng xã hội nói chung.

Được hiểu như nhật ký điện tử của mỗi cá nhân nhưng lượng truy cập của không ít trang blog lên đến hàng chục nghìn lượt người/ngày, cao hơn cả một số báo và trang tin điện tử. Chưa có thống kê cụ thể số lượng blog Việt hiện nay nhưng ước tính lên đến hàng triệu…

Bài 1: Của chung hay của riêng?

Giống như một xã hội thu nhỏ, thế giới blog hội tụ muôn màu sắc của cuộc sống và được ví như "ngôi nhà không đóng cửa" nên từ đây cũng phát sinh nhiều câu chuyện buồn, vui.

"Ảo" thành "thực"

Thống kê của trang tìm kiếm Technorati cho thấy, mỗi ngày trên toàn thế giới có thêm khoảng 175.000 blog mới ra đời. Cộng đồng người viết blog (blogger) rất đa dạng, từ chính khách đến người lao động bình dân. Điều này cho thấy nhu cầu được chia sẻ, tâm sự, mong muốn thể hiện cái tôi thông qua blog là có thực. Sau khi dịch vụ blog 360 của Yahoo! đóng cửa tháng 7-2009, với sự phát triển của mạng xã hội, trong đó blog được tích hợp là một trong nhiều tiện ích khác, thì sân chơi của blogger Việt đã rất đa dạng, với những tên tuổi: Facebook, Twitter, Multiply, Wordpres, CyWord, CyVee, Yume, Thegioiblog, Vietspace, Tamtay... Với tốc độ tăng trưởng internet gần 11% liên tục trong 10 năm qua, hiện Việt Nam có gần 27 triệu người sử dụng internet, số "môn đệ" của blog là không nhỏ. Thậm chí, người sở hữu cùng lúc nhiều blog không phải là hiếm.

Nhiều thông tin trên các blog không được kiểm duyệt xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân. Ảnh: Bá Hoạt

Cách đây khoảng 3 năm, những ai đã từng vào blog Cuoihk đọc "Nhật ký ung thư" của Trần Tuyên, thợ cơ khí chưa đầy 30 tuổi sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự kiên cường của chàng trai trẻ hằng ngày chống chọi với cái chết. Nhiều người sau khi đọc những bài viết (entry) của anh đã thay đổi cách nhìn về bản thân và biết cách trân trọng cuộc sống hơn. Cũng trên thế giới blog, vào những ngày lễ lớn của đất nước như Quốc khánh 2-9, Ngày thành lập Đảng 3-2..., theme (hình nền) nổi bật bởi cờ đỏ sao vàng. Ngay như đợt lũ lụt tại miền Trung vừa qua, nhiều blogger trở thành cầu nối, đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh lay động lòng người, tổ chức quyên góp ủng hộ vật chất cho đồng bào. Qua những hoạt động như thế, có thể thấy cộng đồng blogger Việt Nam không thờ ơ với thời cuộc và số có nội dung lành mạnh vẫn chiếm phần lớn.

Bên cạnh những "mảng sáng", thế giới blog cũng lộ nhiều hạn chế. Do bản chất của blog là không có cơ chế định danh người sử dụng và tất cả chỉ là "xã hội ảo", tức một cá nhân có thể lấy bất kì một hay nhiều tên khác nhau cùng lúc mà không cần tên, địa chỉ chính xác của mình đều có thể trở thành blogger. Điều này đồng nghĩa với việc người viết không phải khai báo nội dung bài viết với nhà cung cấp dịch vụ. Việc tạo blog hiện nay rất dễ dàng, được miễn phí, kèm thêm nhiều tính năng nổi trội như có thể đưa được nhiều ảnh, phim, nhạc, tạo diễn đàn... nên có sức hút rất lớn. Lợi dụng điều này, không ít blogger đã đăng tải hình ảnh, bài viết để xúc phạm, thóa mạ người khác; đưa hình ảnh đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục; truyền bá tin đồn vô căn cứ; vi phạm các quyền tự do dân chủ, xâm phạm an ninh quốc gia. Sự kiện gần đây cơ quan chức năng bắt blogger Cô gái đồ long để điều tra về hành vi vu khống người khác bằng các bài viết được đăng tải trên blog cá nhân là hồi chuông cảnh báo cho hiện tượng nêu trên.

Giới hạn nào cho blogger?

Với công nghệ internet hiện nay, Thế giới đã trở thành "thế giới phẳng", cho phép blog của một người có thể đến với tất cả cư dân mạng cho dù họ đang ở phương trời nào với tốc độ chỉ tính bằng giây. Bởi vậy, mỗi thông tin mà blog đó cung cấp nếu có nhiều người truy cập sẽ có sức ảnh hưởng không kém gì bất cứ một loại hình truyền thông nào (phương Tây đã hình thành khái niệm "nhà báo công dân" để nói về các blogger chuyên nghiệp - PV). Chính vì thế, quan điểm blog có còn là nhật ký cá nhân hay không đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Blogger Huong Hanova (Hà Nội) cho rằng, chủ nhân blog có quyền được bày tỏ quan điểm của mình nhưng quan niệm đó là ý kiến cá nhân chỉ phù hợp với blog để chế độ riêng tư (private) chứ không phải là chế độ cho tất cả (public) những người cùng dùng dịch vụ đó có thể xem được. Khi ở chế độ public, nội dung cung cấp của blogger mang tính đại chúng và chủ nhân của nó phải có trách nhiệm trước thông tin mình đưa ra.

Thực tế ở Việt Nam có không ít vụ kiện pháp lý liên quan đến câu chuyện "của riêng" hay "của chung", cụ thể là những thông tin trên blog. Sự kiện ca sĩ Phương Thanh khởi kiện blogger Cô gái đồ long, người mẫu X.L kiện một tạp chí danh tiếng hay phóng viên một tờ báo dựa vào thông tin không chính xác trên blog để viết bài "tưởng tượng"... là ví dụ. Đây cũng là điển hình cho tầm ảnh hưởng của một bộ phận blogger đối với công luận mà những thông tin do blogger đăng tải đã không còn là vấn đề cá nhân. Luật pháp Việt Nam cho phép quyền tự do ngôn luận, nhưng cũng quy định rõ ràng về việc quyền tự do cá nhân; quyền bí mật riêng tư ảnh hưởng đến danh dự, quyền lợi (tinh thần và vật chất) của người khác phải được tôn trọng và bảo vệ.

Nhiều nước trên thế giới tuy không có quy định cụ thể về việc quản lý nội dung blog nhưng luật pháp liên quan đến quyền con người, quyền tự do ngôn luận, đạo đức... chính là barie để công dân nói chung và các blogger nói riêng phải tuân thủ. Ví dụ: Đầu năm 2010, Tòa án Ai Cập đã kết án 4 năm tù đối với blogger Suleiman với tội danh phỉ báng đạo Hồi và tổng thống.

Blog vừa mang lại một luồng gió mới cho xã hội nhưng cũng để lọt những cơn gió "lạc chiều", thậm chí gió độc. Điều chỉnh những hoạt động trên internet nói chung đã khó, việc quản lý blog lại càng khó hơn nhưng nếu ai đó vượt qua những quyền cá nhân được hiến định, đặc biệt là với dụng ý xấu thì chuyện phải đối mặt với các cơ quan tư pháp thiết nghĩ cũng là điều bình thường.

Theo Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT ngày 18-12-2008 của Bộ Thông tin - Truyền thông "Hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (TTĐTCN) trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet", những hành động sau sẽ bị cấm:

- Lợi dụng trang TTĐTCN để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm các quy định tại Điều 6 Nghị định số 97.

- Tạo trang TTĐTCN giả mạo cá nhân, tổ chức khác; sử dụng trái phép tài khoản trang TTĐTCN của cá nhân khác; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản.

- Sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân mà vi phạm các quy định tại Điều 31, Điều 38 Bộ luật Dân sự.

- Cung cấp thông tin trên trang TTĐTCN mà vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Blog - đâu là giới hạn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.