Hà Nội kết nối

Bình Phước kỳ vọng bứt phá từ hạ tầng giao thông

Nhóm phóng viên 15/12/2023 - 11:12

Những ngày cuối năm 2023, tỉnh Bình Phước đón nhận liên tiếp tin vui, bởi hàng loạt dự án đường cao tốc qua địa bàn đã và sắp được triển khai. Qua đó giúp Bình Phước phát huy tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đông, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.

a399.png
Nút giao quốc lộ 13 với đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Giao thông đi trước
Bình Phước là tỉnh thuộc Đông Nam Bộ, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km về hướng Đông Bắc. Tỉnh giáp với các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Đắk Nông và có đường biên giới với Campuchia.

Với diện tích hơn 6.800km2, Bình Phước là tỉnh lớn nhất Nam Bộ. Quỹ đất dồi dào, khí hậu ôn hòa, vị trí chiến lược, tỉnh Bình Phước có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và giao thương trong nước, quốc tế.

a400a.jpg
Tỉnh Bình Phước xác định ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư, phát triển mọi mặt.

Tuy nhiên, hệ thống đường bộ qua tỉnh Bình Phước phần lớn là “độc đạo”, với quốc lộ 13 đang bị "thắt cổ chai" tại đầu nối với thành phố Hồ Chí Minh; quốc lộ 14 nối lên Tây Nguyên chưa được mở rộng đáp ứng nhu cầu vận chuyển người và hàng hóa.

Ông Trần Hữu Dư, đại diện doanh nghiệp vận tải TC Đồng Xoài chia sẻ: "Xe tải, xe khách muốn về Đông hay Tây Nam Bộ, hiện đều phải đi qua thành phố Hồ Chí Minh chật chội, xa cách. Đường nối sang Đồng Nai dự kiến qua cầu Mã Đà chưa thể triển khai vì sẽ đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Chúng tôi mong có đường giao thông thuận lợi hơn nữa để hoạt động".

Trên thực tế, Bình Phước còn đang thiếu đường nối với thành phố Hồ Chí Minh; nối với cụm cảng biển lớn nhất nước Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); nối với sân bay Long Thành đang được xây dựng; nối lên Tây Nguyên và nối với Tây Nam Bộ để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng liên kết.

a403.png
Một đoạn đường ĐT 741 qua tỉnh Bình Phước. Ảnh: Đình Trọng.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước Nguyễn Tấn Hùng cho biết, để chủ động giải quyết một phần các tồn tại trên, với phương châm "giao thông đi trước", thời gian qua, tỉnh Bình Phước cũng đã chủ động nâng cấp, mở rộng một số tuyến giao thông chính.

Điển hình, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT 741 đoạn từ Đồng Xoài đi Phước Long và dự án BOT ĐT 741 đoạn Bàu Trư - Đồng Xoài. Đây là tuyến đường nối Bình Phước với Bình Dương và một số tỉnh vùng Nam Tây Nguyên (quốc lộ 14 cũ). Theo đó, mở rộng nền đường từ 19m lên 33m để có mặt đường rộng 26m, vỉa hè mỗi bên 3,5m.

Cũng từ năm 2020, tỉnh Bình Phước đã đầu tư khoảng 965 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng khoảng 50km quốc lộ 13 từ Chơn Thành (giáp tỉnh Bình Dương) đến Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư với Campuchia với mặt đường rộng đến 65m, dự kiến hoàn thành năm 2025.

a283.jpg
Phối cảnh đoạn cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Cuối tháng 11-2023, Chính phủ cũng đã đồng ý theo đề xuất của địa phương cho phép UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu thực hiện dự án xây dựng đoạn cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước dài 7km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công, dự kiến khởi công trong năm 2024.

Bộ, ngành, doanh nghiệp hợp sức
Sau 12 năm chờ vốn, ngày 18-11 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tái khởi động dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành (Bình Phước) - Đức Hòa (Long An). Tuyến đường dài gần 73km này được đầu tư gần 2.300 tỷ đồng từ vốn ngân sách để xây dựng với quy mô từ 2 đến 6 làn xe (mở rộng từng đoạn tuyến), vận tốc phương tiện lưu thông đến 100km/h, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

a406.jpg
Hướng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ nối thông Bình Phước với Tây Nam Bộ. Đồ họa: SGT.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, tuyến đường này sẽ nối thông Bình Phước với Đồng bằng sông Cửu Long qua tỉnh Tây Ninh và Long An. Ngoài ra, tuyến đường này còn được nối với cao tốc Chơn Thành (Bình Phước) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) sắp được triển khai để lên Tây Nguyên.

Tuyến cao tốc được Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhắc đến chính là dự án thu hút nguồn lực xã hội quy mô lớn của hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông. Theo UBND tỉnh Bình Phước, liên danh nhà đầu tư đã đề xuất thực hiện dự án này, trở thành đoạn tuyến đầu tiên thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Tây của nước ta.

a405.jpg
Phối cảnh giai đoạn 1 cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa.

Theo đó, cao tốc có chiều dài gần 130km, kết nối với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đến thành phố Gia Nghĩa, thủ phủ tỉnh Đắk Nông. Giai đoạn 1, sẽ được đầu tư xây dựng đường cao tốc, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m (riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài, thủ phủ tỉnh Bình Phước, có nền đường rộng 25,5m), tốc độ thiết kế từ 100 - 120km/h tùy theo đoạn địa hình.

Cũng theo UBND tỉnh Bình Phước, dự án xây dựng đường cao tốc sẽ thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện là UBND tỉnh Bình Phước. Các dự án xây đường gom, cầu vượt cao tốc tại tỉnh Bình Phước và Đắk Nông thực hiện theo hình thức đầu tư công…

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.540 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng hơn 10.500 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương khoảng hơn 2.200 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng gần 12.800 tỷ đồng (chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án).

a407.png
Hướng tuyến dự án cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa. Đồ họa: HDReal Holding.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, nếu được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến thực hiện từ năm 2023-2024; công tác bồi thường, tái định cư thực hiện trong năm 2024; thời gian thi công dự án từ cuối năm 2024, hoàn thành năm 2026.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bình Phước kỳ vọng bứt phá từ hạ tầng giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.