Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bình Dương: “Tạo đà” từ nông nghiệp công nghệ cao

Hà Phạm| 09/06/2023 06:59

(HNM) - Tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cách làm của tỉnh là tập trung hỗ trợ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu để tạo đà cho toàn ngành Nông nghiệp địa phương phát triển.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương).

Những mô hình tiêu biểu

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, hiện nay, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt của địa phương là hơn 6.900ha; chủ yếu ứng dụng kỹ thuật gieo trồng trong nhà lưới, sử dụng công nghệ, chế phẩm sinh học vào chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại, công nghệ tưới... Bên cạnh đó, tỉnh có 580ha sản xuất trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ với các loại cây trồng như cam, mít, rau các loại. Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Bình Dương cũng đang phát triển với 148 trang trại gà, 255 trang trại lợn và 45 trang trại vịt.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Dương đang tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và thời vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 1.000ha.

Một trong những đơn vị đi đầu là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo), do Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 400ha. Tổng Giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm cho biết, sản phẩm chủ lực là chuối và dưa lưới với quy trình trồng và thu hoạch tiên tiến. Unifarm hiện có khoảng 300ha trồng chuối, mỗi năm cho năng suất gần 50 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, sản phẩm được đưa qua các công đoạn xử lý bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Còn quy trình trồng dưa lưới ứng dụng theo công nghệ từ Israel, với hệ thống kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống tưới tại các nhà màng được kết nối đến trung tâm điều khiển. Mỗi năm, mô hình trồng dưa lưới cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ha. Sản phẩm đã xuất khẩu sang Singapore từ năm 2018. Ngoài ra, mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản… cho doanh thu từ 500 triệu đồng/ha.

Còn mô hình chăn nuôi với quy trình truy xuất toàn diện, từ giai đoạn chăn nuôi đến lưu thông, tại trại gia cầm Minh Tân Phát (huyện Dầu Tiếng) do anh Lê Văn Dương làm chủ hiện có 4 phân trại nuôi gia cầm với tổng diện tích gần 14ha, tổng đàn 600.000 con gà đẻ, cung ứng ra thị trường khoảng 500.000 quả trứng mỗi ngày. Anh Dương cho biết, những trại gia cầm trên đều truy xuất nguồn gốc gà từ khi 1 ngày tuổi, áp dụng quy trình khép kín trong chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. “Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là công cụ đắc lực để tránh được các rủi ro về bệnh dịch, tăng hiệu quả sản xuất và hướng đến an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ”, anh Dương chia sẻ.

Nâng chất lượng, mở đầu ra

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương thông tin, đến năm 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5-3%/năm. Trong đó, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% cơ cấu ngành.

Đóng góp cho phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương Nguyễn Việt Long cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, các trang trại lớn, chuyên nghiệp, có quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ ổn định chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là giải pháp để hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy, tạo động lực, nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện có.

Về định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2030, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết, ngoài nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch tại 4 huyện phía Bắc là Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Trọng tâm là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất công nghệ cao, tạo ra những đột phá rõ nét.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Công Thương phối hợp với các cấp, ngành xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thiết lập, củng cố mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nông sản, trái cây với các kênh phân phối… Qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đề nghị các sở, ngành của tỉnh thời gian tới thực hiện chuyển đổi số toàn diện; phát triển thương mại điện tử, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình làng thông minh; nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, các sở, ngành và địa phương cần thực hiện quyết liệt việc cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: “Tạo đà” từ nông nghiệp công nghệ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.