Sau khi khởi công đường Vành đai 3 vùng thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 6 vừa qua, từ tuần 3 của tháng 9-2023, tỉnh Bình Dương đã chủ động triển khai các bước cần thiết để xây dựng đường Vành đai 4 theo kế hoạch đề ra.
Họp dân công bố chủ trương xây dựng Vành đai 4
Ngày 21-9 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Ban Giao thông - chủ đầu tư) đã phối hợp với UBND thị xã Bến Cát tổ chức họp dân công bố chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 đoạn qua tỉnh. Cuộc họp có sự tham dự của hơn 460 hộ dân, tổ chức ảnh hưởng từ dự án.
Đại diện các hộ dân xã An Điền và xã An Tây (thị xã Bến Cát) mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm cắm mốc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, quan tâm đến đời sống các hộ dân ảnh hưởng từ dự án; có chính sách phù hợp khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB); nghiên cứu phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để ổn định cuộc sống của người dân ảnh hưởng từ dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Ban Giao thông tỉnh Bình Dương Võ Ngọc Sang cho biết, ngay sau khi HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4, Ban Giao thông tỉnh đã chủ động phối hợp với cơ quan liên quan rà soát hồ sơ, thống nhất một số nội dung để bảo đảm tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Đồng thời, bàn giao hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ thiết kế sơ bộ và bình đồ tuyến cho các địa phương có dự án đi qua...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, do hồ sơ thiết kế, ranh GPMB dự án thành phần 2 chưa được phê duyệt, bàn giao nên Ban Giao thông tỉnh chưa có cơ sở lập điều chỉnh dự án GPMB đường Thủ Biên - Đất Cuốc, ảnh hưởng thời gian hoàn thành.
Ngoài ra, Tổng Công ty Becamex IDC, đơn vị được giao tổ chức cắm mốc và bàn giao hồ sơ thiết kế, ranh mốc ngoài thực địa cho Ban Giao thông để thực hiện các thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định, nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao để thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Để tháo gỡ, Ban Giao thông tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Tổng Công ty Becamex IDC đẩy nhanh tiến độ để triển khai thực hiện công tác bồi thường, GPMB dự án.
Đối với các địa phương có dự án đi qua, kiến nghị UBND các huyện Bắc Tân Uyên, thành phố Tân Uyên, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, chỉ đạo đơn vị trực thuộc khẩn trương chuẩn bị và tổ chức thực hiện các công việc về bồi thường, thu hồi đất ngay sau khi cắm ranh mốc GPMB.
Theo kế hoạch, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn, phấn đầu đến tháng 6-2024 bàn giao tối thiểu 50% mặt bằng, tháng 9-2024 bàn giao 70% mặt bằng và đến tháng 12-2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng.
Đã thu hồi hơn 50% tổng diện tích dự án đường Vành đai 3
Giám đốc Ban Giao thông tỉnh Bình Dương Trần Hùng Việt cho hay, tính đến ngày 22-9, đối với các gói thầu đã khởi công, công tác giải phóng mặt bằng xây dựng bảo đảm được tối thiểu 70% theo quy định từ trước ngày khởi công.
Về toàn bộ dự án, đến nay, chủ đầu tư đã thu hồi được hơn 41/78,9ha, đạt 52,1% kế hoạch.
Về công tác kiểm đếm đạt 1.488/1.499 trường hợp (đạt 99,2%); phê duyệt phương án bồi thường gần 3.958 tỷ đồng trong dự kiến khoảng 10.500 tỷ đồng (đạt 37%). Dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2023.
Đối với công tác tái định cư, dự án có khoảng 518 trường hợp đủ điều kiện và được bố trí tại các khu tái định cư. Cụ thể, thành phố Thủ Dầu Một có 2 khu tái định cư Phú Hòa và Phú Mỹ; thành phố Thuận An có 3 khu tái định cư Bình Đức 2, Lái Thiêu, An Thạnh; thành phố Dĩ An có 6 khu tái định cư.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An Nguyễn Thanh Tâm cho biết, trên địa bàn Thuận An còn thiếu khoảng 30 nền phục vụ công tác tái định cư cho người dân. Hiện UBND thành phố đã thống nhất với UBND thành phố Thủ Dầu Một bố trí khu tái định cư trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một nhằm bảo đảm quyền lợi tối ưu nhất cho người dân.
Về vật liệu xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương Ngô Quang Sự cho hay, qua rà soát về trữ lượng còn lại, công suất khai thác của các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn cho thấy tỉnh Bình Dương hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cho dự án Vành đai 3.
Thời gian tới, đối với dự án thành phần 5, dự kiến trong tháng 9 này, Ban Giao thông tỉnh Bình Dương sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán của 2 gói thầu còn lại (nút Tân Vạn và đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn) để bảo đảm đủ điều kiện khởi công tất cả các gói thầu trong năm 2023.
Còn với dự án thành phần 6, tiếp tục thực hiện chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được phê duyệt. Mặt khác, phối hợp với các đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng để triển khai thi công theo kế hoạch và giải quyết các vướng mắc liên quan...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đánh giá, đường Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ là tuyến giao thông huyết mạch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh, thành với nhau, thúc đẩy kinh tế toàn diện cho cả vùng. Đồng thời, giải quyết bài toán ách tắc giao thông ở các đô thị lớn, địa bàn giáp ranh giữa các địa phương, tạo tuyến giao thông kết nối thúc đẩy giao thương phát triển mạnh cho cả Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) có chiều dài khoảng 47,85km, được xây dựng thành đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư khoảng 18.247 tỷ đồng. Công trình dự kiến khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2026.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.