Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bình Đà không pháo vẫn giàu

Nguyễn Mai| 15/01/2012 07:41

(HNM) - Thấm thoắt đã 17 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 406/CT-TTg (QĐ 406) về cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ, người dân Bình Đà, (xã Bình Minh, Thanh Oai) đã vượt qua những hẫng hụt và đang có bước chuyển mình nhờ năng động chuyển nghề, phát triển kinh tế.


Làng quê Bình Đà ngày giáp Tết.



Ông Vũ Văn Tá và ông Nguyễn Văn Phúc, hai nghệ nhân làm pháo nổi tiếng một thời ở Bình Đà.     Ảnh: Minh Phú

Bỏ nghề nguy hiểm

Nhớ lại những ngày đầu có lệnh cấm pháo của Chính phủ, ông Vũ Văn Tá, 85 tuổi, người được xem là nghệ nhân của làng pháo Bình Đà bồi hồi: "Thời gian đó, cả làng, cả xã lo lắng, không biết rồi đây cuộc sống ra sao, sống bằng nghề gì? Ngày đó, người già, trẻ em không nói làm gì, chứ trai làng sáng ra là lũ lượt rủ nhau đạp xe ra Hà Nội kiếm việc làm, từ phụ hồ, xây dựng, làm thuê làm mướn… Nhưng rồi thời gian trôi qua, khi con người ta bình tâm lại cũng ngộ ra rằng, Chính phủ cấm pháo là hoàn toàn hợp lý. Bên cạnh chuyện chống lãng phí tiền của, cái được lớn nhất là tính mạng con người không bị đe dọa hằng ngày, hằng giờ".

Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh Nguyễn Hữu Minh trải lòng về nghề "truyền thống" một thời của xã. Đó là một trong những nghề nhanh giàu nhưng vô cùng nguy hiểm, do thường xuyên làm việc, tiếp xúc với thuốc nổ nên tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào. Người thợ dù có cẩn thận, tỉ mỉ đến đâu cũng chỉ làm giảm thiểu khả năng rủi ro, chứ không tránh được hoàn toàn. Nhiều khi sơ suất rất nhỏ cũng cướp đi vài mạng người. Như trường hợp tai nạn của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, xảy ra vào tháng 8-1993. Hôm đó, cả gia đình ông gồm 5 người đang ngồi se ngòi pháo, anh Thắng con trai ông thì pha chế thuốc pháo. Khi anh Thắng dùng cân để đong đếm cho đúng liều lượng thuốc, không may quả cân rơi xuống khay thuốc. Một tiếng nổ khô khốc vang lên, vợ và các con ông chết tại chỗ, ngôi nhà đổ sập, chỉ có ông đang lúi húi rửa rau ngoài sân thì thoát chết. Nhiều năm sau ông vẫn sống trong hoảng loạn, những giấc mơ chập chờn, mộng mị đến tận bây giờ. Hay như vụ nổ thuốc pháo tại nhà anh Bùi Đình Tài vào ngày 5-9-1992, làm 3 người chết, 2 người bị thương. Ngôi nhà anh Tài và hai nhà liền kề bị đánh sập hoàn toàn, nếu hôm đó các con anh và lũ trẻ hàng xóm không đến trường khai giảng năm học mới, thì có lẽ con số thương vong sẽ lớn hơn nhiều…

Và niềm vui ngày mới

Bình Đà bây giờ không còn mùi thuốc pháo đặc quánh bám theo người từ sáng tới chiều, cả vào trong giấc ngủ, cũng không còn cảnh trẻ em thích ở nhà làm pháo kiếm tiền hơn đi học. Tình trạng ô nhiễm môi trường bởi các hóa chất độc hại không còn trầm trọng như xưa, sức khỏe con người nhờ đó được cải thiện đáng kể. Nhờ sự năng động, tìm tòi những hướng làm ăn kinh tế mới, cuộc sống người dân cũng khá dần lên.

Bình Đà ngày giáp Tết, cảnh làng mạc ngày càng khang trang, phố Bình Đà dọc quốc lộ 21B bán buôn tấp nập. Ông Nguyễn Văn Phúc, 58 tuổi tâm sự: Bỏ nghề pháo, mỗi người tìm một cách làm, nhưng đại đa số đều quay về với đồng ruộng, chăn nuôi. Người nhanh nhạy, có vốn thì kinh doanh, buôn bán. Ông Nguyễn Hữu Minh khẳng định, không còn pháo, kinh tế địa phương vẫn rất khá. Ngoài hàng chục mô hình kinh tế trang trại hoạt động hiệu quả, Bình Đà nói chung, xã Bình Minh nói riêng còn là "trung tâm" cung ứng thịt gia cầm cho nội thành Hà Nội với 40-50 tấn thịt gà, vịt/ngày, thu hút 200 hộ tham gia. Xã còn có hàng trăm người làm nghề xây dựng, hàng trăm hộ kinh doanh dịch vụ. Ở thôn Bình Đà người dân buôn bán sầm uất chẳng khác nào phố xá. Riêng lớp thanh niên trong làng có hàng trăm người tìm được việc làm ổn định tại các công ty may mặc, làm hàng thủ công… Kinh tế phát triển, việc học hành của con em trong xã cũng được chăm lo hơn. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT đạt trên 90%; xã có trên trăm em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng…

Năm nào cũng vậy, những tháng giáp Tết, chính quyền xã lại tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các hộ gia đình, các em học sinh ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo nổ. Và trên thực tế, nếu như cách đây vài năm, vẫn còn một số hộ lén lút làm pháo, thì năm nay tất cả đều đã bỏ nghề. Người dân Bình Đà đoạn tuyệt hẳn với nghề pháo để xây dựng cuộc sống ấm no và bình yên hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Đà không pháo vẫn giàu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.