Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biểu tượng của ý chí Việt Nam

Dương Hiệp| 03/04/2010 06:43

(HNM) - 45 năm đã qua nhưng chiến thắng Hàm Rồng vẫn vang vọng cùng hào khí dân tộc. Qua bao tháng năm, hình ảnh người thợ điện Đỗ Chanh treo mình lên thành cầu giữa bom đạn quân thù làm nhiệm vụ, cô dân quân Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển - Anh hùng LLVT đã đi vào huyền thoại với câu chuyện vác một lúc hai hòm đạn tiếp tế cho trận địa… đã in đậm trong tâm trí nhiều người.

Câu cầu lịch sử hôm nay.


Những con người làm nên lịch sử

Chỉ lên bức ảnh chụp với Bác Hồ được treo trang trọng trong nhà riêng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hằng không giấu nổi tự hào kể lại: "Ngày ấy tôi mới 21 tuổi, chỉ huy một khu đội dân quân, chúng tôi đã chiến đấu với một tâm thế phải chiến thắng vì chính quê hương thân yêu của mình". Chú thích cho bức ảnh Bác Hồ đang thân mật chỉ tay vào một cô gái có nụ cười rạng rỡ, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng giải thích: "Bữa đó, sau sự kiện ngày 3-4-1965 được vài ngày, tôi được thay mặt cho quân dân Thanh Hóa ra Thủ đô dự lễ báo công đánh thắng trận đầu. Ra đến Thủ đô mới thấy mình thật vinh dự khi đại diện cho 21 đơn vị… cùng các chiến sĩ Không quân nhân dân Việt Nam quả cảm như Trần Hanh, Nguyễn Văn Cốc… được Bác trao tặng bằng khen. Sau buổi lễ đó, Bác còn gọi riêng tôi vào nhà sàn để hỏi cặn kẽ phương pháp đánh địch, cách bảo vệ bà con và duy trì sản xuất tại địa phương. Được Bác hỏi, tôi cứ run bắn lên, chả bù những lúc đối diện trực tiếp với bom đạn quân thù".

Lịch sử còn ghi trận thử thách đầu tiên của quân dân Hàm Rồng vào ngày 3-4-1965. Nhiều tốp máy bay Mỹ thi nhau bắn phá ác liệt ở Nam Ngạn - Hàm Rồng. Trong bom đạn mịt mù khói lửa, những tiếng rít gầm của bầy phản lực Mỹ, khu đội dân quân do cô gái mới ngoài 20 tuổi Nguyễn Thị Hằng chỉ huy đã dũng cảm giáng trả quân thù những đòn sấm sét. Trong cuộc chiến đó, nổi bật lên những tấm gương quả cảm. Tiêu biểu như Trung đội trưởng Trung đội dân quân xếp dỡ Hàm Rồng Đỗ Khắc Cảu. Mặc vết thương máu loang đỏ áo, anh vẫn chỉ huy đồng đội chuyển đạn cho các chiến sĩ pháo cao xạ bắn máy bay. Nữ đội viên tự vệ Ngô Thị Dung bất chấp máy bay giặc bổ nhào cắt bom vẫn xông lên ụ pháo, hy sinh trong tư thế đang tiếp đạn cho đồng đội. Nữ dân quân Ngô Thị Sáu ba lần bị thương vẫn không rời trận địa cho đến lúc hy sinh... Góp phần vào chiến thắng Nam Ngạn - Hàm Rồng còn có hàng nghìn người dân, nhiều cụ ông, cụ bà tuổi đã cao nhưng sẵn sàng đảm đương mọi công việc để giúp đỡ, hỗ trợ lực lượng chiến đấu. Nhà sư Đàm Xuân đã dùng nhà chùa làm trạm xá cứu chữa thương binh, cùng bà con lo cơm ăn, nước uống tiếp tế cho bộ đội...

Ngoài nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng còn có bà Ngô Thị Tuyển, Anh hùng LLVT hiện đã nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá. Người anh hùng đó vẫn tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ Hàm Rồng, các câu lạc bộ giải trí thể thao - văn hóa, các ban liên lạc quân nhân, Hội Cựu chiến binh tỉnh… chị đang sống trong ngôi nhà ở phố Trường Thi, TP Thanh Hóa.

Cho Hàm Rồng hôm nay
Trong 2 ngày chiến đấu ác liệt, cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang sừng sững nối đôi bờ sông Mã. Chiến thắng vang dội ngày 3 và 4-4-1965 khởi đầu cho chiến công bắn rơi 117 máy bay Mỹ trong những ngày đêm chiến đấu bảo vệ cầu của quân dân Nam Ngạn, Hàm Rồng, Yên Vực cùng sự đóng góp to lớn của lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân xứ Thanh. Càng tự hào hơn khi trong lửa đạn quân thù, quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn vừa chiến đấu vừa tranh thủ vận chuyển hàng ngàn mét khối đá lên đồi Quyết Thắng, tạc vào vách núi hai chữ "Quyết Thắng" bằng đá. Biết bao đoàn quân qua Hàm Rồng vào Nam chiến đấu thêm phấn chấn khi cách xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy dòng chữ đó in đậm trên nền trời. Hàm Rồng trở thành biểu tượng cho ý chí quyết chiến quyết thắng của quân dân xứ Thanh nói riêng và quân dân miền Bắc nói chung.

45 năm sau chiến thắng Hàm Rồng, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban tổ chức lễ hội kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hàm Rồng khẳng định: "Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Hàm Rồng đã thể hiện được bản sắc dân tộc, ý thức tự chủ và tinh thần độc lập, sức sống mãnh liệt không ngừng vươn lên trong cuộc đấu tranh khốc liệt chống áp bức, cường quyền, chế ngự thiên tai để sinh tồn và phát triển. Chính bề dày lịch sử, văn hóa đấu tranh cách mạng đã tôi luyện nên con người Hàm Rồng kiên cường, bền bỉ, gan dạ trong chiến tranh."

Hòa cùng dòng người về với Hàm Rồng hôm nay, không giấu nổi tự hào, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tâm sự: "Những chàng trai, cô gái tuổi 20 chúng tôi ngày ấy đã không tiếc máu xương, sẵn sàng xả thân chiến đấu với lòng căm thù giặc sâu sắc vì chính quê hương và những người thân yêu của mình". Tâm sự của bà Hằng là minh chứng cho ý chí kiên cường, lòng dũng cảm của quân dân Hàm Rồng đã làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của nhân dân xứ Thanh, trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam.

Trong hai ngày 3 và 4-4-1965, Mỹ đã sử dụng 174 lần tốp, 454 lượt máy bay ném xuống địa bàn tỉnh Thanh Hóa 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm (loại từ 500 - 1.000kg). Riêng ở Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực, địch bổ nhào 85 lần, cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rốc-két…
7 năm kể từ ngày 3 và 4-4-1965 cho đến khi giặc Mỹ phải chấp nhận ngừng bắn hoàn toàn ở miền Bắc, quân và dân Hàm Rồng đã dũng cảm chiến đấu đánh trả 2.857 lần tốp máy bay tối tân của Mỹ, bắn rơi 117 máy bay, trong đó có cả pháo đài B52, viết nên bản anh hùng ca trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ và không lực Hoa Kỳ.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biểu tượng của ý chí Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.