(HNM) - Khai trương vào tháng 3-2008, sau hơn bốn năm hoạt động Ngôi nhà Việt (Viethaus) tại Đức không chỉ là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị Việt - Đức mà còn là đầu mối giao thương quan trọng, là điểm đến và giao lưu văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở Berlin nói riêng và ở Đức nói chung với người Đức, qua đó giúp bạn bè Đức hiểu biết hơn về đất nước, con người cũng như những nét sinh hoạt văn hóa đa dạng và đặc sắc của dân tộc.
Ngôi nhà Việt tại Đức.
Ý tưởng xây dựng Ngôi nhà Việt tại Berlin được hình thành từ năm 2004, giữa ông Nguyễn Quốc Danh - Giám đốc Công ty Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO) và ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Công ty H.M.Sky tại Đức trong dịp liên hoan bia quốc tế tại Berlin khi chứng kiến sự giao lưu hồ hởi và nguyện vọng của cộng đồng người Việt cũng như các doanh nghiệp Việt - Đức. Trước Viethaus, đã có một vài người thử nghiệm mô hình nói trên dưới nhiều dạng khác nhau, đa số dưới hình thức một trung tâm văn hóa, ẩm thực chủ yếu cho người Việt với mong muốn phần nào quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế; tuy nhiên chưa thử nghiệm nào thành công. Vì vậy, dự án nhanh chóng nhận được sự ủng hộ tối đa của chính phủ hai nước và cộng đồng người Việt tại Đức.
Để có thể xây dựng Ngôi nhà Việt với tổng diện tích mặt bằng 8.000m2 ngay tại trung tâm Berlin - nơi được coi là trái tim của nước Đức - SASCO và H.M.Sky đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn. Vì đây là dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của Công ty SASCO; đồng thời cũng là dự án liên doanh đầu tiên của Việt Nam tại Đức được chính thức đăng ký hoạt động theo pháp luật hai nước. Sau bốn năm triển khai, vượt qua nhiều khó khăn, ngôi nhà mơ ước đã thành hình và trở thành niềm tự hào của người Việt ở Đức. Ngoài ý nghĩa về mặt tinh thần, Ngôi nhà Việt cũng là đầu mối xúc tiến thương mại - văn hóa - du lịch, trực tiếp trưng bày, bán và giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, văn hóa ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật... nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam, là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Đức cũng như Châu Âu và ngược lại. Ngoài ra, Ngôi nhà Việt còn là nơi giao lưu gặp gỡ, động viên giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng người Việt ở Đức. Nhất là để trẻ em người Việt sinh ra ở Đức có điều kiện học tập và trau dồi tiếng mẹ đẻ - một vấn đề đang được cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia quan tâm. Vì thế, không ít tờ báo Đức đã ví Viethaus như một biểu tượng của tâm hồn Việt giữa lòng thủ đô Berlin.
Đúng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong dịp đến thăm Ngôi nhà Việt tại Đức: "Đây là một mô hình mới trong việc xã hội hóa phát triển các trung tâm văn hóa, xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài và cần được nhân rộng ra các nước khác". Thành công của Viethaus là bước tiên phong để các "ngôi nhà Việt" sẽ lần lượt ra đời ở các quốc gia khác có đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.