Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn

Việt Nhật| 14/12/2019 14:08

(HNMCT) - Năm 1994, khi tập truyện Quà muộn ra đời và được trao giải nhất Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20, tác giả Nguyên Hương khi đó cũng vừa 20 tuổi, là cô thợ may trẻ ở tỉnh Đắk Lắk. Vốn “khiêng” máy may từ phố vào vùng kinh tế mới để mở tiệm may kiếm tiền, thì loay hoay thế nào Nguyên Hương lại “kiếm” ra một số truyện ngắn.

Đọc văn của chị, dễ nhận ra cảnh sắc Tây Nguyên quê hương của chị tràn ngập trong từng tác phẩm. Cô thợ may trẻ ngày ấy chưa phải đã ở tuổi đã có nhiều trải nghiệm, nhưng những truyện ngắn Bên dòng suối không cầu, Gió lên nữa gió ơi, Nguồn cội lênh đênh, Mai… lại cho thấy độ chín chắn trước tuổi và sự tỉ mỉ trong cách quan sát, cách viết và đặt vấn đề của Nguyên Hương. Không phải câu chuyện nào của chị cũng mang đến cái kết có hậu, không phải số phận nhân vật nào cũng may mắn êm xuôi, nhưng dù buồn hay vui, từng trang viết của Nguyên Hương vẫn ánh lên những ấm áp tình người, như chính chị đã bày tỏ trong Quà muộn: “Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn”.

Năm 1996, Nguyên Hương “ẵm” cú đúp giải thưởng khi nhận Tặng thưởng Tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong và Tặng phẩm A của báo Hoa Học Trò dành cho người viết về Tuổi hoa. Kể từ đó là những năm tháng mải mê trên cánh đồng chữ của Nguyên Hương. Đam mê viết, chị từ bỏ nghề may, chuyển hẳn sang nghiệp văn. Hàng loạt truyện ngắn như Những giấc mộng, Những bông hoa hình lá, Gia sư, Nguồn cội lênh đênh, Song sinh, Khoảnh khắc tình yêu, Lời hứa của mùa hè, Website thương nhớ, Mối tình đầu, Bố ơi, Hoa rù rì, Những vì sao...; các tập truyện vừa Tia cầu vồng màu chàm, Sếp phó, Gót hài, Chiều cao ở sau lồng ngực…; truyện dài Học trò phố huyện, Ngày có bốn mùa… đã lần lượt ra đời.

Nguyên Hương viết nhiều, có lẽ bởi chị đưa vào tác phẩm những câu chuyện hết sức giản dị như vẫn thường xảy ra ở xung quanh chị. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, bình dị và đong đầy yêu thương, Nguyên Hương luôn khiến người đọc phải lắng lại trước từng phận người, từng mối quan hệ đan cài trong sợi dây tình cảm đôi khi hết sức mong manh trong trang sách của chị.

Những câu chuyện thực tế về hôn nhân gia đình, về tình yêu được chị phản ánh rõ nét trong tập truyện SOS, Có nhiều người trong một người, Dị bản của mỗi nhà, Một nửa, 1989.vn… và mới đây nhất là tập tản văn Thương nhau chung một mái nhà. Không đao to búa lớn, không tình tiết ly kỳ, Nguyên Hương như thủ thỉ, tâm tình với những người xung quanh, để từ những câu chuyện đời thường mà ngẫm ngợi đến triết lý nhân sinh: “Mẹ hy vọng con sẽ gặp cuốn sách kể về những người có hình thể không xinh đẹp, thậm chí là không lành lặn, nhưng được mọi người trân trọng và yêu mến ngưỡng mộ vì cách họ sống và những gì họ đã làm được cho cuộc đời này. Và con sẽ học được bài học từ những người đó: Trước tiên phải biết tôn trọng chính mình”.

Chính trong sách của mình, Nguyên Hương cũng đã hơn một lần viết về những người cơ thể không may khiếm khuyết như trong Yêu bằng tai, Những vì sao. Những trang sách viết về gia đình, về tình yêu của Nguyên Hương lúc nào cũng “lấp lánh những thông điệp tốt lành về cuộc sống”.

Năm 2019 là năm đánh dấu sức làm việc “đáng nể” của Nguyên Hương khi chị cho ra mắt đến 4 đầu sách. Ngoài tập tản văn Thương nhau chung một mái nhà “chào đời” vào mùa thu tháng 9, thì ngay từ đầu năm, độc giả thiếu nhi đã được đón nhận bộ 3 cuốn cổ tích gồm Voi chúa và hoàng tử nhỏ, Đứng một chân và há mỏ ra, Nắng vàng sáng trăng và mặt trời. Bộ sách gồm 44 truyện cổ tích viết lại được Nguyên Hương khai thác từ các tích truyện Phật giáo với mong muốn các em thiếu nhi đọc và hiểu được những triết lý nhân ái, vị tha, hướng thiện của nhà Phật. Đây không phải là lần đầu tiên Nguyên Hương đưa các yếu tố dân gian, thần thoại vào tác phẩm của mình. Trước đó, chị cũng đã viết nhiều truyện cổ tích mới cho thiếu nhi như Tấm thảm bay, Viên ngọc bùa mê, Vùng đất bị phù phép, Sự tích cầu vồng, Chiếc áo tàng hình, Gương thần, Đôi hài vạn dặm...

Dường như càng thêm tuổi những sáng tác của Nguyên Hương càng “trẻ hóa”, khi thì gắn với tuổi mới lớn với Nếu chúng mình nắm chặt tay nhau, Sếp phó, Đồ thông minh ngốc xít, Tớ muốn đi cùng trời cuối đất…, lúc lại dành cho lứa tuổi nhi đồng như Cô bé ganh tị, Chữ A và chữ E, Hai viên ngọc ước… Chị cũng có duyên với nhiều giải thưởng viết cho thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên. Bước vào địa hạt văn chương dành cho thiếu nhi, dường như Nguyên Hương sáng tác càng sung sức hơn, bút pháp đa dạng hơn.

Năm 2014, chị từng thử sức với dòng văn học giả tưởng trong bộ tác phẩm Cậu bé trần gian và những chuyến rong chơi. Bộ sách gồm 5 tập Bàn chông đá, Thung lũng xả, Mùa bão cá, Ngọc che chở, Cỏ Miệng Mếu được viết với giọng văn hết sức dí dỏm, đậm chất Việt Nam. Nhà văn Nguyên Hương quan niệm rằng “dẫu cuộc sống có ra sao thì trong khát vọng vươn lên cần được dẫn dắt bởi yêu thương và trách nhiệm”, phải chăng đó cũng là một phần lý do để chị dành rất nhiều tâm sức theo đuổi những trang viết dành cho thanh thiếu niên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.