(HNM) - Lô cốt là công trình quân sự chủ yếu để phòng ngự. Lô cốt được xây dựng kiên cố bằng gạch, đá, bê tông... có lỗ châu mai để bắn ra nhiều phía, có nắp và nơi nghỉ ngơi cho binh sĩ (từ điển bách khoa toàn thư mở wikipedia). Rải rác ở Hà Nội, vẫn còn nhiều lô cốt của người Pháp, mà nhiều người thích gọi bằng một cái tên khác "French villa" hay "biệt thự Pháp".
Nếu những di tích này được hệ thống lại làm thành một dạng bảo tàng ngoài trời, hẳn là điều đáng quý.
"French villa"
Lô cốt được xây dựng nổi, nửa nổi nửa chìm hoặc lợi dụng sườn núi… làm chìm hẳn. Thời kháng chiến chống Pháp, Tướng De Lattre De Tassigny đã thiết lập cả một hệ thống lô cốt kiên cố khắp vùng Đồng bằng sông Hồng nhằm đối phó với quân dân ta.
Tháp canh có lỗ châu mai trên nóc Block house, từ đây có thể thu vào tầm mắt một vùng trời nước hồ Tây. |
Hà Nội có hệ thống lô cốt dày đặc. Khu vực hồ Tây, hiện giờ không nhiều người biết ở đây từng có một nhóm lô cốt rất đẹp. Lớn nhất, "lô cốt mẹ", có tầm nhìn khống chế cả khu vực phía bắc hồ, vốn cùng hệ thống với nó còn có các "lô cốt con". Ước lượng tầng 1 "lô cốt mẹ" có chiều dài độ 6m, rộng chừng 4m, chiều cao từ nền đất hiện nay khoảng 3m, cửa cách nền đất 1m. Độ dày tường bê tông cốt thép vào khoảng 0,5-0,8m. Trên tầng 2 lô cốt mẹ, có một ụ chiến đấu tròn đường kính khoảng 1,5m, cao 2m. Cách khoảng 6m từ lô cốt này, có một lô cốt phụ, tức "lô cốt con", diện tích khá nhỏ, khoảng 5,6m2… Nghe nói trước đây, "hai mẹ con" được nối với nhau bằng giao thông hào nhưng nay giao thông hào không còn, "lô cốt con" cũng bị bịt kín. Sau khi đường ven hồ Tây được mở, cạnh phía bắc "lô cốt mẹ" đã bị bịt lại. Phía tây "lô cốt mẹ" nằm sát mép đường, nhìn ra "bến Hàn Quốc", nơi giới trẻ Hà Nội "âu yếm" nhau mỗi buổi chiều về. Khoảng phía đông bây giờ thành nơi trông giữ xe của mấy cửa hàng nhậu nhẹt, giải khát. Từ "bến Hàn Quốc" nhìn lên, lô cốt cao sừng sững, bám đầy dây dợ, cây bụi và cả gạch, rác…
Cụm "mẹ con" nói riêng và hệ thống lô cốt rải rác nhiều nơi nói chung được nhiều người gọi là French villa, nghĩa là biệt thự Pháp. Cách đây mấy năm, "lô cốt mẹ" đã được trưng dụng để mở quán bar. Cái quán bar có tên khá ngộ là Block house, tạm dịch là quán lô cốt, có tấm biển sơn đen, to như cánh cửa in tên treo trên tường. Ông chủ, một người dân sống cạnh lô cốt, đã cầu kỳ xây tường bao, chăng thép gai, làm tán cọ ở khoảnh sân tự tạo dưới chân lô cốt và làm cả cầu thang dẫn lên ụ chiến đấu bên trên với ý định biến đây thành một mặt bằng hút khách. Nghe nói, khi "tái thiết" lô cốt để làm quán bar, riêng việc đập nửa mét vuông bê tông bậc dẫn vào lô cốt cũng đã mất 400 nghìn đồng. Lô cốt Pháp hầu như được xây bằng đá trắng nên cứng, vô cùng chắc chắn (đập thêm những "hạng mục" khác không biết tốn bao nhiêu?). Chỉ có điều, "ông chủ" than thở là chỉ "cải tạo" đến thế thôi chứ không được "đưa vào sử dụng" vì Ban Chỉ huy quân sự quận (Tây Hồ) đến yêu cầu chấm dứt "thi công" và nghiêm cấm kinh doanh.
Bao giờ Block house đi vào hoạt động, ông chủ cho biết, vẫn còn đang trong giai đoạn "xin giấy phép". Đến giờ, có lẽ đó cũng là cái lô cốt duy nhất được trưng dụng dang dở vào mục đích kinh doanh. Còn lại...
Những mẩu vụn lịch sử
Năm 1950, do không đủ sức, Pháp rút khỏi các khu vực trung du, miền núi để lui về củng cố đồng bằng và cho xây dựng hệ thống lô cốt trải khắp Đồng bằng Bắc bộ, mục đích kiểm soát chặt chẽ vùng này. Đi theo đường 5 tới cây số 38 (Quán Gỏi), rẽ phải đi thêm khoảng 2km sẽ gặp một lô cốt còn nguyên tháp pháo. Lạng Sơn nổi tiếng với hệ thống lô cốt Đồng Đăng, Đèo Giang - Văn Vỉ. Tuy nhiên, bây giờ chỉ còn lại lô cốt Đèo Giang - Văn Vỉ...
Mặt tiền của cái French villa đã được “trùng tu, tôn tạo” lại thành quán bar nhưng “dự án” này chưa đi vào hoạt động. |
Hà Nội là nơi tập trung nhiều lô cốt nhất. Những lô cốt dọc sông Đuống được xây dựng có mục đích kiểm soát trục lộ, trung bình cứ 2km có một cái. Do phải phù hợp với địa hình nên lô cốt được xây có hình dáng không giống nhau. Hay tại Hà Đông, quân Pháp xây dựng cạnh Trường THCS chuyên Lê Lợi bây giờ 2 lô cốt. Trên đuờng vào Kim Giang (Thanh Xuân) cũng có mấy lô cốt "giơ" góc ra đường. Đường lên Sơn Tây có cái lô cốt kiêm tháp canh ở Phùng và đập Đáy. Cũng phải kể đến lô cốt cạnh cầu Phù Lỗ (Đông Anh), khá đẹp và cách đây chưa lâu... còn nguyên bản. Ngay đầu phố Nguyễn Tri Phương, trong khuôn viên của Ngân hàng Quân đội có một cái. Sóc Sơn cũng là nơi có nhiều lô cốt. Chẳng hạn, trên núi Đôi, trong bài thơ nổi tiếng Núi đôi của nhà thơ Vũ Cao, có một cái lô cốt song không hiểu đến giờ có còn; hoặc tại xã Hiền Linh, lô cốt sẵn đến mức một số hộ dân đã trưng dụng lô cốt cạnh nhà làm… công trình phụ…
Thời gian bào mòn
Theo nhà văn Tô Hoài, lô cốt tại Hà Nội đơn giản là "những cái hầm chiến đấu nửa lộ thiên, nửa dưới đất của Pháp lập vòng vây phòng thủ xung quanh thành phố gọi là "phòng tuyến De Lattre De Tassigny. Quanh thành phố đều có những lô cốt xi măng, lính lê dương, lính ngụy canh giữ ngày đêm. Khi mới hòa bình, Bộ Quốc phòng có lệnh đấy là di tích được lưu niệm. Nhưng cái lệnh đã ra mấy chục năm qua rồi... Đi qua cầu Cà Lồ bên Đông Anh, và qua những cánh đồng mênh mông ở ngoại thành bây giờ là những nơi đã thành phố xá không đâu còn những cái lô cốt nửa chìm nửa nổi ấy nữa. Có chăng còn một cái lô cốt ở cổng một cơ quan trên đường Hoàng Quốc Việt - xưa kia đấy là cánh đồng, nhưng cái pháo đài đã biến thành một bên cái cổng to, không ai biết đấy là lô cốt nữa. Và còn một cái lô cốt ở cuối đường Bà Triệu. Cái này một hộ trong phố đã cải tạo thành cái nhà, ở đàng hoàng cũng đã mấy chục năm nay rồi".
Đấy là số phận chung của những lô cốt Pháp. Cách đây hai năm, một nhóm những người yêu thích lịch sử rủ nhau đi chụp lại toàn bộ các lô cốt Pháp còn lại trên khắp Đồng bằng sông Hồng. "Lời kêu gọi" được khá đông hưởng ứng. Họ xây dựng được một bảo tàng ảnh phong phú.
Lô cốt thời Pháp là một phần của lịch sử, giờ vẫn nằm rải rác ở nhiều nơi, cái còn nguyên vẹn, cái mất, cái hư hại ít nhiều, tuy nhiên nếu giữ gìn được nguyên vẹn nó sẽ trở thành những điểm đến rất thú vị, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài. Chẳng hạn, pháo đài Ross, bang Califoonia, Mỹ, một di tích lịch sử quốc gia về thời kỳ đế quốc Nga xâm chiếm thuộc địa ở châu Mỹ, với khá nhiều lô cốt đã trở thành một điểm đến rất hấp dẫn đối với du khách. Trong một chừng mực, lô cốt - "biệt thự" của người Pháp cũng là một phần của Hà Nội. Hà Nội sắp tròn nghìn tuổi, nếu như những lô cốt này được "quy hoạch", được hệ thống lại làm thành một dạng bảo tàng ngoài trời, thì cũng là điều đáng quý.
Những "biệt thự" Pháp không nên để bị tiếp tục xuống cấp bởi thời gian hoặc để dân dỡ ra... lấy phế liệu, còn nếu không việc biến thành quán bar, như cái Block house, cũng là một ý tưởng không tồi, tất nhiên, nếu giữ được nguyên bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.