(HNM) - Thời gian qua, trên nhiều tuyến đường ở thành phố Hà Nội như Trường Chinh, Nguyễn Xiển, Tố Hữu, Khuất Duy Tiến, Giải Phóng… xuất hiện hàng loạt điểm bán hàng dưới danh nghĩa “giải cứu” nông sản, từ mít, thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, ngô cho đến các loại rau xanh…
Chuyện cư dân đô thị góp phần “giải cứu” người nông dân vất vả “một nắng hai sương” thông qua việc mua hỗ trợ là nghĩa cử đẹp. Tuy nhiên, dần dần, không ít thương lái đã lạm dụng việc “giải cứu” để lấn chiếm vỉa hè, bày bán nông sản tràn lan. Hầu như cứ có tuyến đường nào đông người qua lại mà có vị trí phong quang là sẽ bị chiếm dụng bởi không mất tiền thuê cửa hàng, khách lại đông, nhất là vào giờ cao điểm buổi chiều. Không chỉ lấn chiếm vỉa hè, nhiều xe ô tô chở nông sản còn dừng đỗ tùy tiện kể cả tại những khu vực có biển cấm dừng, đỗ. Người bán bày nông sản bừa bãi, người mua cũng tiện đâu để xe đấy rồi tranh thủ vào mua dẫn tới ùn tắc, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông khác. Một số đối tượng còn trà trộn bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...
Rõ ràng phong trào “giải cứu” nông sản đang bị lợi dụng, biến các tuyến phố trung tâm thành những chợ cóc nhếch nhác. Có những điểm “giải cứu” sau khi những chiếc xe ô tô chở nông sản rời đi để lại nhiều rác thải, hoa quả thối khiến người dân bức xúc...
Để việc “giải cứu” nông sản thực sự mang ý nghĩa hỗ trợ người nông dân tiêu thụ hàng hóa trong những giai đoạn khó khăn, chính quyền địa phương cần nghiên cứu bố trí những địa điểm phù hợp vào các khung giờ nhất định. Cùng với đó là quản lý chặt chẽ về nguồn gốc hàng hóa, không để các thương lái mượn cớ “giải cứu”, biến đường phố thành chợ cóc gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Với các trường hợp cố tình vi phạm cần xử lý thật nghiêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.