(HNM) - Trong lúc các loại vắc xin đầy hứa hẹn đang dần được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra trong suốt năm qua, thì sự xuất hiện của những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh hơn đã khiến cuộc chiến chung của nhân loại đứng trước thử thách lớn.
Vào tuần trước, giới chức Anh cho biết một chủng mới của vi rút gây ra đại dịch Covid-19, có tên gọi là VUI-202012/01 đã được xác định tại nước này, được cho là liên quan tới sự gia tăng nhanh chóng của các trường hợp nhiễm bệnh tại khu vực Đông Nam vùng England.
Theo người đứng đầu Cơ quan Y tế Anh Chris Whitty, VUI-202012/01 là nguyên nhân của 60% các ca lây nhiễm ở London và số ca bệnh này đã tăng gần gấp đôi trong tuần vừa rồi. Thủ tướng Anh Boris Johnson tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng, biến thể mới có thể lây lan nhanh hơn tới 70%.
Tại Nam Phi, một biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 cũng xuất hiện và được cho là liên quan đến làn sóng lây nhiễm thứ hai chủ yếu tác động đến người trẻ tuổi ở nước này. Chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 được các nhà khoa học Nam Phi đặt tên là 501.V2 có tốc độ lây lan nhanh hơn và vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ nguy hiểm của chúng. Thông tin này khiến nhiều người không khỏi lo ngại bởi Nam Phi hiện là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất tại Lục địa đen.
Các biến thể của vi rút không phải là điều bất thường hay hiếm gặp. Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy hàng loạt biến thể khác nhau giữa các mẫu vi rút gây dịch Covid-19. Tuy nhiên, phần lớn những biến thể này không ảnh hưởng đến tốc độ lây lan của vi rút hoặc mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Tháng trước, Đan Mạch đã tiêu hủy hàng triệu con chồn hương sau khi phát hiện một biến thể của Covid-19. Vào tháng 10-2020, các nhà nghiên cứu cũng tìm ra bằng chứng cho thấy một biến thể vi rút SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Tây Ban Nha và lây lan qua châu Âu.
Giới khoa học vẫn đang đánh giá liệu chủng vi rút mới có làm tăng tỷ lệ tử vong hay ảnh hưởng tới hiệu quả của các loại vắc xin đang được đưa ra hay không. Phần lớn nhận định ban đầu cho rằng, biến thể mới không ảnh hưởng đến tác dụng của vắc xin vì các nhà nghiên cứu đã hiểu rõ cơ chế biến đổi của vi rút SARS-CoV-2 và tính đến yếu tố này trong hoạt động bào chế.
Các nhà khoa học Richard Neher thuộc Đại học Basel ở Thụy Sĩ và Andreas Bergthaler từ Viện Hàn lâm khoa học Áo cho biết, vắc xin tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại nhiều đặc điểm của vi rút cùng một lúc. Do đó, ngay cả khi một trong những đặc điểm đó thay đổi, hệ thống miễn dịch vẫn có thể nhận ra mầm bệnh và bảo vệ người nhận vắc xin.
Trong lúc chờ đợi kết luận của các chuyên gia và tìm ra giải pháp hiệu quả, nhiều quốc gia đã thể hiện sự thận trọng và tự áp đặt các biện pháp phòng ngừa khi Giáng sinh đang đến rất gần. Thủ tướng B.Johnson đã tái áp đặt lệnh phong tỏa tại vùng England và hủy kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế vào dịp Giáng sinh, đón năm mới. Hàng loạt quốc gia châu Âu như Bỉ, Hà Lan, Pháp, Đức, Italia, Thụy Điển… đã ban hành các quy định hạn chế đi lại với Anh.
Hiện các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang duy trì liên lạc với giới chức Anh và Nam Phi để kịp thời chia sẻ thông tin phân tích và kết quả nghiên cứu, đánh giá những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Dù vậy, sự lây lan nhanh chóng của đại dịch do tác động của các biến thể mới chắc chắn sẽ phần nào làm chậm lại những nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, trước khi các loại vắc xin an toàn và hiệu quả được tiêm chủng đại trà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.