(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực từ ngày 20-9-2020). Nghị định áp dụng đối với cả cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Việc xử lý kỷ luật được thực hiện theo nguyên tắc khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định này là biện pháp mạnh, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Ông Đoàn Văn Oánh, đảng viên Chi bộ 8B, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ:
Dễ áp dụng vào thực tế, tránh chồng chéo
Tôi được biết, tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ đã thống nhất và đồng bộ hóa, bãi bỏ 4 nghị định (số 34/2011/NĐ-CP, số 27/2012/NĐ-CP, số 112/2011/NĐ-CP, số 35/2005/NĐ-CP) về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Việc đồng bộ hóa này sẽ giúp áp dụng vào thực tế được dễ dàng hơn, hạn chế chồng chéo so với trước.
Ngoài ra, nghị định đã bổ sung quy định tái phạm khi kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật. Quy định nghiêm như vậy sẽ buộc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải tận tụy hơn, những ai từng bị kỷ luật cũng không thể buông lơi, chây ỳ trong công việc.
Bà Phan Thị Liên, đảng viên Chi bộ 4, phường Quang Trung, quận Đống Đa:
Xử lý nghiêm nạn hách dịch, cửa quyền
Trước đây, thời hiệu xử lý kỷ luật chỉ là 24 tháng, còn theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 2 năm, 5 năm hoặc không tính thời hiệu, tùy từng mức độ vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức. Đây là sự thay đổi rất lớn, rất tích cực, tránh tình trạng “lách luật”, vi phạm xong chủ động xin nghỉ việc để trốn tránh trách nhiệm vì thực tế cho thấy, để xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm phải qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, theo nghị định này, viên chức sẽ bị xem xét kỷ luật buộc thôi việc nếu có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc các trường hợp: Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp; vi phạm quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập; lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao… Như vậy, từ nay, những viên chức hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu sẽ bị xử lý nghiêm, góp phần nâng cao tác phong ứng xử, lề lối làm việc của bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người dân này.
Ông Lê Đình Tuấn, công chức làm việc tại bộ phận "một cửa", UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng):
Ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm, lợi dụng vị trí công tác
Qua theo dõi, tôi được biết, mặc dù các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, song ở một vài nơi vẫn còn xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà, thậm chí nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ra đời với nhiều điểm mới sẽ giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung nâng cao ý thức, tận tụy, trách nhiệm hơn với công việc được giao; có tác phong phục vụ chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, nghị định cũng bổ sung nhiều hành vi bị xử lý kỷ luật như: Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công... Do vậy, nghị định sẽ là cơ sở pháp lý để ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm, lợi dụng vị trí công tác để tham ô, tham nhũng, lãng phí tài sản công.
Ông Nguyễn Huy Nhật, phố Trần Bình, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy:
Không thể "hạ cánh an toàn"
Một trong những quy định hoàn toàn mới được dư luận quan tâm, đó là Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã quy định tại Mục 2 (Điều 22, Điều 23) về thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Nếu phát hiện cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mà có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì phải chịu một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức kỷ luật đó.
Điều này có nghĩa là, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thì kể cả khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu cũng không thể “hạ cánh an toàn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.