Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biện pháp “hạ nhiệt” CPI

Hương Ly| 26/04/2011 07:16

(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 cả nước đã tăng 3,32%. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm, CPI đã tăng 9,64% so với tháng 12-2010. Sức ép tăng giá dự kiến còn tiếp diễn bởi thời gian tới, giá nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tiếp tục được điều hành theo thị trường.


Song theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong một thời gian ngắn, những giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã được Chính phủ triển khai nhanh và hiệu quả. Nếu thực hiện quyết liệt những giải pháp của Chính phủ, dự kiến CPI sẽ hạ nhiệt vào quý III.

Giá tiêu dùng tăng mạnh


Tăng giá xăng dầu dẫn đến giá nhiều mặt hàng tăng theo. Ảnh: Khánh Nguyên


Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của cả nước đã tăng 3,32%, đưa CPI 4 tháng đầu năm tăng 9,64% so với tháng 12-2010. Tại hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, CPI tháng 4 tăng mạnh. Tại TP Hồ Chí Minh, CPI tăng 3,16% so với tháng 3, mức tăng cao nhất kể từ sau tháng 5-2008. CPI tháng 4 của Hà Nội tăng tới 3,28%, cao nhất trong vòng 36 tháng qua. Tại Hà Nội, ngoại trừ nhóm hàng bưu chính viễn thông, 10 nhóm hàng còn lại đều tăng giá. Đáng chú ý, 3 nhóm hàng: giao thông; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng trên 4%, cao hơn nhiều so với mức tăng chung.

Nhận xét về tốc độ tăng CPI tháng 4, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia cho biết, CPI tháng 4 dự kiến sẽ là mốc cao nhất của chỉ số giá trong năm nay do độ trễ của chính sách tiền tệ (khoảng 4-5 tháng). Áp lực tăng giá tiêu dùng sẽ còn kéo đến hết tháng 6 do tác động từ việc Chính phủ áp dụng giá thị trường với 3 loại nguyên, nhiên liệu đầu vào thiết yếu là điện, than, xăng dầu. Việc CPI tháng 4 tăng cao đã được dự đoán trước và vẫn nằm trong vòng chủ động kiểm soát của Chính phủ khi các giải pháp đồng bộ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đang được triển khai và bước đầu thu được hiệu quả.

Chỉ số CPI sẽ hạ nhiệt vào quý III

Theo đánh giá của ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright; thành viên nhóm chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các nhóm hàng có tác động mạnh đến nền kinh tế là: giáo dục, lương thực, thực phẩm, giao thông… đang tăng giá với tốc độ khá nhanh. Nhưng nếu như Chính phủ kiên quyết thắt chặt tiền tệ và tài khóa, lạm phát của Việt Nam có thể giảm vào quý III-2011.

Nhận xét về diễn biến kinh tế hiện nay, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý TƯ cho rằng, những số liệu được công bố liên quan đến lạm phát và thâm hụt ngân sách đã nảy sinh nhiều ý kiến lo ngại. Song chưa bao giờ, chỉ trong một thời gian ngắn, rất khẩn trương, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra những thông điệp mạnh mẽ và thu được những hiệu quả trên thực tế như hiện nay. Cần tiếp tục kiên trì chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa và nỗ lực cắt giảm chi tiêu công. Trong đó việc không ứng trước tiền đầu tư năm 2011 và 2012 là một trong những hành động thể hiện quyết tâm của Chính phủ.

Nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP nhằm kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đang được các bộ, ngành, địa phương gấp rút triển khai. Trong tháng 4, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48/2011/TT-BTC, hướng dẫn trợ cấp khó khăn cho hộ nghèo theo Quyết định của Chính phủ, có hiệu lực ngay trong tháng 5. Chính phủ đã quyết định giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) năm 2011cho các DN nhỏ và vừa. Bộ Tài chính đã thành lập các đoàn kiểm tra về giá đối với 7 mặt hàng gồm: thép xây dựng, khí hóa lỏng, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, đường ăn và thức ăn chăn nuôi gia súc, xi măng và phân bón hóa học tại 24 DN chiếm thị phần lớn kinh doanh 7 mặt hàng trên. Đợt kiểm tra nhằm đánh giá tác động của các yếu tố đầu vào tới việc tăng giá bán lẻ, hạn chế tình trạng DN tăng giá bất hợp lý.

Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn giá được triển khai từ tháng 4-2011 nhằm cung cấp hàng thiết yếu với mức giá hợp lý tới tay người tiêu dùng. UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở Công thương tạm ứng 475 tỷ đồng, lãi suất 0% cho các DN dự trữ 10 mặt hàng thiết yếu (gồm: gạo trắng thường; thịt gia súc, gia cầm, trứng; thực phẩm chế biến; thủy, hải sản đông lạnh; dầu ăn; đường RE; rau, củ và bổ sung thêm mặt hàng giấy vở viết học sinh). Một lượng hàng hóa nhất định cũng được TP Hà Nội dự trữ để cứu trợ và bảo đảm đời sống của nhân dân khi xảy ra thiên tai… Chương trình bình ổn giá của các địa phương dự kiến sẽ góp phần giảm bớt tác động tiêu cực của việc tăng giá hàng hóa tới đời sống của người dân.

Căn cứ vào diễn biến thực tế và những chính sách điều hành của Chính phủ, các chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP cả năm 2011 vẫn ở mức 6 đến 6,5%. Nền kinh tế sẽ dần ổn định trở lại nếu những giải pháp của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc với sự đồng thuận từ các bộ, ngành, địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biện pháp “hạ nhiệt” CPI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.