(HNM) - Đi đường bây giờ, con người ta tha hồ no mắt vì đủ kiểu, loại biển hiệu (BH). Phương tiện giao tiếp đầu tiên của người bán với người mua là đây, khiến họ dừng ngắm hay đi thẳng, có rẽ vào không...
Biển hiệu trên phố lụa Hàng Gai.
Ảnh: Trung Kiên
Từ góc độ ngôn ngữ, khi ngắm nghía BH, ta có thể tạm thời chia thành các loại sau:
Một, lấy tên riêng, thường của chủ hàng, kiểu Kường Ngân, Dũng... Loại này ít có ở các phố buôn bán tổng hợp, mà hay ở phố chuyên bán một mặt hàng, kiểu Hàng Buồm bánh kẹo, Huế phụ tùng xe máy, Cấm Chỉ ăn uống... Do mặt hàng đã là chung rồi, ấn tượng cần gây là tên chủ hàng, nhất là với khách quen.Cónhữngnhà vốn dĩ là gia truyền, BH tồn tại từ đời này qua đời khác bất chấpmọi biến cố chính trị - xã hội, như Nguyên Ninh, Cát Tường, Toàn Thịnh, Thanh Huyên... Thế rồi quanh họ mọc lên chi chít những BH nhái để ăn theo, kể ra khó biết đâu mà lần nếu khách không sành sỏi.
Hai, lấy luôn địa chỉ. Trên các phố “Hàng”, loại biển hiệu - số nhà này thể hiện công sức, tính chân thực của người bán. Ví dụ cần bánh cốm, mứt sen, ô mai “xịn”, có thể đem đi nước ngoài làm quà, thời đến 11 dốc Hàng Than, 54 Hàng Điếu... là có thể yên tâm. Loại này dễ tránh được người xung quanh nhái một phần BH của mình.
Cũng có khi, để chắc ăn, chủ hàng kết hợp cả hai loại trên trong một BH, để thành những Hồng Hạnh 38 Hàng Cân, Lộc 178 Phố Huế...
Biển hiệu các quán ăn trên phố Cấm Chỉ Ảnh: T.K
Kỹ hơn, người ta ghép cả cách dùng trong loại 1 hoặc 2 để thành Phở Thìn, Bia Sửu, Mỹ phẩm 16 Hàng Đào, 43 Phan Chu Trinh dịch vụ nhà đất... Để cho “mạnh” hơn, phép “tu từ” được áp dụng, ra Bò tùng xẻo, Lẩu nướng Trung Hoa...; trong khi đấy thực ra chỉ là các món bò, hoặc giả cũng “không được Trung Hoa mấy”. Muốn chinh phục, “đánh gục” hoàn toàn khách hàng, BH kèm luôn mấy chữ quảng cáo kiểu phở Thìn chính hiệu Bờ Hồ, hàng ngoại giá nội, mãi mãi cùng năm tháng...
Bốn, tổng hợp của ba loại trên, kiểu Ông Lang Thịnh 65 Lãn Ông xem mạch kê đơn bốc thuốc, Hương Thủy 80 Hàng Đường thời trang trẻ em, Thúy Nga 14 Lý Thái Tổ may đo thời trang... Loại 1,2, 3 mới nêu được vài thông tin thì loại 4 này mang được đầy đủ những yêu cầu về thông tin của BH thời cơ chế thị trường: hàng hóa hay dịch vụ, địa chỉ, tên chủ hiệu... Dĩ nhiên, nó có ưu thế hơn cả. Nhiều chủ hàng còn thêm quảng cáo bên cạnh: Cường 47 Phủ Doãn chuyên gia sửa xe Spacy, phục hồi xe bị tai nạn như mới, Huệ Lan 31 Hàng Giầy, chè Huế có đầu tiên tại Hà Nội... Dù dài, nhưng vì có ưu thế, nó vẫn phổ biến nhất.
Năm, loại gây ấn tượng, gợi cảm, từ ngữ đầy hình ảnh, độc đáo, mới lạ. Chẳng hạn bên cạnh dòng “chân chỉ” Đồ lưu niệm là những Miền đất lạ, Bẩy chú lùn, Cỏ lạ, Gấu Misa. Cạnh Đồng hồ là Tik Tik Tak, Khoảnh khắc, Thời gian vàng. Còn những Bốn con chín, Bảo Tín, Kim Cương “trang điểm” cho các cửa hàng vàng bạc.
Sáu, mang tiếng nước ngoài. Thời Pháp còn để lại những Longines, Tailleur de luxe, Cava... Mươi năm gần đây, tuyệt đại đa số là tiếng Anh. Chẻ nhỏ ra, ta có BH mang tên những hãng lớn trên thế giới như Suzuki, Triumph, Renova, kết hợp tên hãng với sản phẩm như Tivi Sony, Bếp ga Rinai, Tủ lạnh Toshiba, hoặc các sản phẩm, dịch vụ như Fast food, Green caffe, Souvenir... Tiếng nước ngoài bao giờ cũng dùng nguyên dạng, phần do sản phẩm, hãng quá nổi tiếng, phần đánh vào tâm lý sính đồ ngoại. Nhiều chữ trên tiêu đề có thể phiên âm, chuyển nghĩa sang tiếng Việt, hoặc chả cần dùng tiếng nước ngoài mà họ vẫn làm vậy để cho thấy hàng mình “xịn”.
Bảy, loại “song ngữ” cho “tây biết, ta cũng rành”, kiểu Thời trang - New fashion, Souvenir - Đồ lưu niệm, Jacket - áo giắc két.
Tám, lấy đặc điểm hình thức đưa lên. Chẻ nhỏ ra, những Cây si, Cây sấu, quán trúc, quán vườn... là căn cứ vào ngoại hình quán (cây trồng đằng trước chẳng hạn), còn Chính tóc bạc, Lâm toét, Hải xồm, Tuấn béo... lại kết hợp tên với ngoại hình chủ quán. Đây thường là địa điểm nổi tiếng về một mặt nào đó như đẹp đẽ, món ăn ngon, hoặc chỉ vì nhiều văn nghệ sĩ tụ tập nhâm nhi, đàm đạo. Do đã có “chất lượng làm đầu”, ông chủ chả ngại phô tiếp những khó coi về ngoại hình của mình ra BH.
Nổi tiếng thì lại bị nhái. Trên hồ Tây, sau quán Ông già rất phát đạt thì hỗn độn những Ông già đầu tiên, Ông già cũ, Ông già chính hiệu, chả biết đâu thật đâu giả.
BH gắn liền với việc kinh doanh, buôn bán của cửa hàng, người bán hàng. Phần nào, nó thể hiện chất lượng hàng hóa, đức tính người chủ, nên được “nâng lên” thành nghệ thuật (sử dụng ngôn từ) cũng là đương nhiên. Tầm văn hóa, trong những BH dùng tiếng nước ngoài, nhiều khi lại bị “hạ xuống”, khi viết sai - potocopy, hoặc Jean (vải bò) thay cho Jeans (quần bò). Và những Ja Bags, Keepsake... lại quá cầu kì, đánh đố. Nhiều BH, nói quá đi, làm tổn thương lòng tự hào dân tộc: hàng đồ chơi trẻ em đề Jumbo, hàng bán nước tẩy đề javenl. Ngây ngô nhất là “tây ta phối kết hợp” Cắt tóc for men, Tuấn cắt tóc Adams....
BH muôn mặt thật. Luôn luôn có những “nhu mỳ” cạnh “giật gân”, “xịn” bên “nhái”, thuần Việt bên lai căng. Để Hà Nội đúng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, các nhà quản lý nên tham khảo giới ngôn ngữđể ra được những quy định đúng đắn về biển hiệu
Trần Thị Thìn
- - - - - - - - - - - -
Địa chỉ thư điện tử cuộc thi “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long Hà Nội: thi1000nam@hanoimoi.com.vn
Phông chữ VnArial
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.