Là một trong số thí sinh ra khỏi phòng sớm nhất, thí sinh Ngô Thị Phượng (Hà Nam) thi vào CĐ Sư phạm Trung ương cho biết, đề thi Địa dài và có câu yêu cầu trình bày ảnh hưởng của biển Đông đến địa hình, hệ sinh thái nước ta và kể tên các đảo thuộc 4 tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Bình Thuận.
|
Đề thi cao đẳng môn Địa lý. |
"Em làm tốt nhất câu về biển đảo và vẽ biểu đồ. Biển Đông là vấn đề quan trọng và được quan tâm hiện nay nên trước khi thi em chủ động tìm hiểu cũng như ôn kỹ phần kiến thức này", Phượng nói.
Do ôn luyện có hệ thống và không học tủ nên nhiều câu dù chưa đọc lại trước khi thi nhưng Phượng vẫn làm tốt. Cô dự đoán được 7,5 - 8 điểm. Do 2 môn trước làm khá tốt nên nữ sinh thi ngành Quản lý Văn hóa tin tưởng sẽ đỗ.
Cũng hoàn thành bài thi sớm nhưng Phạm Thị Thanh (quê Ninh Bình) dự đoán chỉ đạt 7 điểm. Thanh cho biết, đề cao đẳng hỏi về biển đảo khiến một số sĩ tử chủ quan vì trước đó đề thi đại học cũng đã đề cập đến phần kiến thức này. Không ôn kỹ phần đảo nên Nga làm không tốt câu này.
Tươi cười ra khỏi điểm thi CĐ Sư phạm Nghệ An, Phạm Mai Lan hớn hở: "Đề đại học cũng nói đến vấn đề biển đảo nên em học rất kỹ". Còn Phạm Anh Tuấn cho rằng, biển Đông không chỉ có ảnh hưởng về địa hình, sinh thái vùng ven biển, không chỉ có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng mà "còn có ý nghĩa chiến lược về mặt kinh tế, an ninh, quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ của quốc gia".
Thí sinh tại Hà Nội cũng kết thúc môn thi Hóa khối A, B trong tâm trạng thoải mái vì đề thi khá dễ. Nguyễn Thị Thúy Hằng (THPT Đan Phượng, Hà Nội) thi CĐ Sư phạm Hà Nội cho hay, đề thi không có câu nào đánh đố nên em còn 10 phút cuối ngồi chơi.
Vũ Bích Ngọc (THPT Hoài Đức B, Hà Nội) thi khoa Sinh cũng nhận định, đề thi Hóa dễ dù "em không phải là người học tốt môn Hoá". Ngọc làm xong hết các câu và còn dư chút thời gian. Cô tự tin cầm chắc 15 điểm thi cao đẳng. "Nhưng em hi vọng đỗ vào ĐH Y Hà Nội chứ không phải cao đẳng", Ngọc tâm sự.
Cho rằng đề thi dễ hơn đề đại học, nhưng Nguyễn Ngọc Dương (Quảng Nam) thi vào CĐ Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, một số bài tập thuộc phần kim loại em không làm được. Dương ước tính cũng làm được khoảng 60%.
|
Các thí sinh tươi cười sau môn thi cuối sáng 16/7. |
Ra khỏi phòng thi tiếng Anh, hai nữ sinh tên Hà chưa vội ra về mà nán lại hành lang, so sánh đáp án vừa làm xong. Vũ Thanh Hà (THPT Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) nhận được đề thi là làm một mạch đến khi hết giờ. Hà cho biết, phần điền từ, dịch bài đọc em đều hoàn thành, chỉ một số từ mới chưa hiểu nghĩa nên dịch chưa được sát ý. "Nhưng chắc chắn đúng được 70%", Hà nói.
Còn Trương Thu Hà (Từ Liêm, Hà Nội) phân tích, đề tiếng Anh vừa tầm với thí sinh thi cao đẳng, các câu đều là kiến thức cơ bản. Năm 2011 khoa Sư phạm Tiểu học của CĐ Sư phạm Hà Nội lấy 18,5 điểm. Sau 3 môn làm bài khá tốt, Hà chắc chắn mình đủ điểm đỗ.
Nhiều thí sinh tại TP HCM cũng cho biết, đề tiếng Anh cao đẳng dễ hơn nhiều so với đợt thi đại học và thời gian làm bài vừa đủ. Theo thí sinh Phan Thị Châu Hải My (Bình Thuận) thi ngành tiếng Anh (CĐ Kinh tế Đối ngoại), phần khó nhất của đề là 2 phần đọc hiểu (câu 28 - 37 và 71 - 80). Đoạn này cũng có khá nhiều từ mới nên độ khó cũng không thua đề đại học.
Tương tự, thí sinh Bảo Ngọc cho rằng, một số câu hỏi tìm từ trái nghĩa với những từ đề cho làm em lúng túng. "Ở những câu hỏi này em toàn làm theo phương pháp loại trừ dựa vào nghĩa của những từ đã cho mà em nhớ mang máng. Vì vậy cũng không chắc chắn sẽ đúng hết", nữ sinh nói.