(HNM) - Bích Câu nghĩa là ngòi biếc, từ một câu chuyện tình cờ và tình tứ! Xưa có nàng cung nữ bên Trung Hoa sống trong cảnh giam hãm nơi cung cấm, đã viết bài thơ trên chiếc lá đỏ thả theo dòng suối cho chảy ra ngoài.
Ảnh: Hoàng Minh
Có anh học trò nhặt được. Bẵng đi ít lâu, anh lấy vợ. Không ngờ cô vợ chính là nàng cung nữ tác giả bài thơ viết trên chiếc lá đỏ kia. Con ngòi trở nên biểu tượng của sự giao duyên lạ lùng hiếm có. Chuyện ở ta cách đây năm thế kỷ cũng được người ta mượn điển tích, gọi câu chuyện này là mối tình kỳ ngộ bên ngòi biếc.
Quán đạo giáo ở thôn An Trạch, phường Bích Câu nay là phố Cát Linh Hà Nội là nơi thờ chân nhân họ Trần, tênUyên, tự Vưu Ban. Thời vua Lê Thánh Tông, tương truyền chân nhân thuở nhỏ nhà nghèo, chỉ dựng được ngôi nhà lá ở bên ngòi nước (tục truyền là Ngự Câu vì vua Lê thường đi thuyền ra đây chơi) ở phường Bích Câu để tạm làm nơi ăn học. Một hôm nhân đi xem hội Vô Già ở chùa Ngọc Hồ, tức chùa Bà Ngô (địa điểm này đã từng xảy ra chuyện nhà vua được gặp một nàng tiên ở đây, nhưng cụôc gặp gỡ của nhà vua quá ngắn ngủi, nàng tiên đã biến mất khiến vua ngẩn ngơ hoài. Lần này không biết có phải chính nàng đã trở lại hay là một nàng tiên khác…!?) chàng nho sĩ Tú Uyên nhặt được chiếc lá đỏ dưới cây mẫu đơn, trên lá có bài thơ:
“Liễu biếc đào hồng tiết tháng ba
Xe loan hạ cánh cửa thiên gia
Cầu Lam chật ních người như kiến
Ai biết thần tiên trước mặt a?”
Chàng đang say sưa nghiền ngẫm bài thơ thì nhác thấy một thiếu nữ nhan sắc tuyệt vời lướt qua ngoài cổng chùa. Anh vội vàng gấp bài thơ lại và rảo bước theo hút. Nhưng đến đầu đình Quảng Văn thì cô gái biến mất không thấy tăm hơi. Tú Uyên ngơ ngẩn ra về, mất ăn, mất ngủ. Mấy hôm sau anh đến đền Bạch Mã khấn vái, cầu mộng và được thần bảo cho biết cứ đi ra xóm Cầu Đông. Đợi đến qúa nửa ngày, anh chỉ thấy một cụ già bán tranh tố nữ. Xem tranh, thì thấy cô gái trong tranh giống hệt nàng tiên hôm nọ ở Ngọc Hồ. Anh liền mua về, treo ngay cạnh bàn học của mình, ngày đêm ngắm nghía. Ăn cơm, uống nước, anh đều sắp ra hai đôi bát đũa, hai chén và mời mọc, trò chuyện với người trong tranh y như người thực. Rồi có hôm anh đi đâu về muộn, đã thấy trên bàn có mâm cơm bày biện sẵn cho mình rồi. Vài lần như vậy, anh lấy lạ bí mật rình xem, mới thấy rõ cô gái xinh đẹp dịu hiền trong tranh đã bước ra, đi làm công việc bình thường của người nội trợ. Tú Uyên từ chỗ nấp vội xuất hiện, cô gái không biến đi được nữa. Nàng thú thực mình là tiên nữ, tên là Giáng Kiều có tiền duyên với chàng nên xuống trần cùng nhau kết nghĩa. Từ đó, hai vợ chồng sống rất hạnh phúc. Được ít lâu Tú Uyên sinh ra phóng đãng, chỉ rượu chè li bì, bỏ cả học hành. Giáng Kiều khuyên can không được, lại bị gắt gỏng, nên tức giận bỏ đi. Tú Uyên sống một mình hiu quạnh, biết thân, hối hận, toan tự tử thì Giáng Kiều lại xuất hiện. Anh xin lỗi vợ để được nối lại tình duyên. Vợ chồng sinh đựơc một con trai. Giáng Kiều khuyên chồng từ bỏ cõi trần, cùng mình cưỡi hạc bay lên tiên giới. Câu chuyện hoang đường ấy được phổ biến trong dân gian đến nỗi gần như ai cũng tin là thật. Sau khi vợ chồng nàng biến đi, người ta lập đền thờ, gọi là đền Tú Uyên. Các nhà văn thì soạn chữ Hán, chữ Nôm để thuật lại câu chuỵên này, mà họ gọi là chuyện Bích Câu kỳ ngộ (cuộc gặp gỡ diệu kỳ bên ngòi biếc). Đền thờ Tú Uyên cũng có tên là đền Bích Câu, hoặc Bích Câu đạo quán, dựng năm 1485, dưới triều Lê Thánh Tông. Người bản phường thường kiêng chữ Uyên, đọc và nói chệch là Yên. Hàng năm ở đây mở hội tế vào ngày 4-2, ngày chân nhân bay về trời và ngày 12-8 là ngày sinh. Đàn ông đến dự lễ tế đều phải mặc áo thụng xanh, đội mũ thư sinh, đi hia xanh.
Nhưng cũng vì tích chuyện thần tiên đó mà những người theo đạo giáo đã lợi dụng để hành nghề mê tín. Họ cho rằng các ông Lê Thánh Tông, Tú Uyên và nàng Giáng Kiều đều đã thành tiên. Ai đến cầu cúng sẽ được tiên giáng hạ, ban cho những lời dạy, những bài thơ, chỉ vẽ những điều họa phúc (rủi may). Rồi họ vẽ tranh ba người trên đây để thờ. Bọn hành nghề mê tín lại đặt ra cái trò ngồi đồng phụ tiên, kiếm được khá nhiều món lợi. Câu chuyện phụ tiên bị nhiều người chê trách. Những anh trí thức đúng đắn, những người dân yêu chân lý, những nhà thơ văn chỉ xem đây là câu chuyện lãng mạn của những tâm hồn đa cảm, muốn vượt ra ngoài những bế tắc của xã hội ngột ngạt dưới thời phong kiến mà thôi. Trò mê tín thì không ai ưa, mà chỉ là đầu đề cho những bài thơ văn, những câu chuyện chế giễu. Mấy bức tranh thần tiên trên đây đã có người đề vịnh, nhạo báng một cách nghiêm khắc. Người vịnh ấy là Ngô Ngọc Du, một tác giả thời Tây Sơn (nguyên văn chữ Hán, cụ Doãn Kế Thiện dịch ra quốc văn):
1. Đề tranh Lê Thánh Tông:
Phật đường săn gái chuyện làm càn
Đắc ý nhà vua chuyện những toan
Người ngọc nhà vàng thành mộng hão
Duyên may lại kém bác đồ gàn
2. Đề tranh Giáng Kiều:
Ai biết nàng tiên lại mến trần
Bồng lai còn kém Ngọc Hồ xuân
Mượn Phật làm lời ong cùng bướm
Cám dỗ chàng si với quốc quân
3. Đề tranh Tú Uyên
Si tình mê cả gái thần tiên
Mê sắc liều mình với chữ duyên
Chán đời theo vợ lìa đời tếch
Người đời cũng chán cái anh điên.
Phạm Hoàng Điệp
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.