Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bia hơi muôn năm

HONGVAN| 04/04/2007 10:56

(HNMĐT) - Tôi có ông bạn thân tên là C. đang sống làm việc ở Sài Gòn. Nghe nói tôi sắp vào trong đó công tác, ông C.

(HNMĐT) - Tôi có ông bạn thân tên là C. đang sống làm việc ở Sài Gòn. Nghe nói tôi sắp vào trong đó công tác, ông C. "phôn" cho tôi: Bao giờ ông vào thì báo cho tôi một tiếng. Tôi sẽ chiêu đãi ông một bữa bia hơi Hà Nội trên đất Sài Gòn. Chúng ta sẽ cùng uống bia hơi và ôn lại những ngày có nhau tại Hà Nội. Lâu ngày, xa Hà Nội, đôi khi tôi cũng thấy nhớ...bia hơi.

Vậy chả nhẽ Hà Nội chỉ có bia hơi là đáng nhớ sao? Tôi không tin như vậy. Bởi vì về mặt ẩm thực nói chung, Hà Nội còn nhiều thứ để nhớ. Phở chẳng hạn. Bún chả chẳng hạn. Bánh cuốn Thanh trì chẳng hạn. Xôi xéo chẳng hạn.

Và quan trọng hơn là những người bạn, những người bạn ở bên ta trong những lần chén chú chén anh. Hình như ở đó, họ không chỉ gặp nhau để uống, để ăn... mà để trút sang nhau những tâm sự để cùng san sẻ, an ủi. Rồi đôi khi do ngẫu hứng lên mà đọc cho nhau nghe một bài thơ mới sáng tác, để cùng thưởng thức, để cùng xót xa, để cùng buồn một nỗi buồn vô cớ.

Nhưng nỗi nhớ bia hơi của ông bạn tôi không phải là không có cơ sở. Bởi vì cứ mỗi lần nhớ đến bia hơi là ông C. lại nhắc đến bài thơ "Bia hơi" của nhà thơ lớn họ Chế. Bài thơ có một vài khổ đáng nhớ như thế này: Chiến tranh thiếu rượu nồng/ Bia nhẹ thế mà say/ Ngà ngà dăm "vại" nhỏ/ Là mặt người đỏ gay/ Muốn uống phải xếp hàng/ Đây làm ăn đàng hoàng/ Ai đến trước uống trước/ Đừng cái trò chen ngang/ Kìa mực nướng nồng thơm/ Su hào cà rốt đỏ/ Dấm chua trộn đu đủ/ Thì có ra gì bom/ Cô hàng bia mắt xếch/ Mũ rơm cạnh ghế ngồi/ Bảo: Cứ uống thỏa thích/ Bia kỳ này lắm hơi...

Rồi mỗi lần uống bia hơi, đọc "Bia hơi" như thế, ông C. lại gật gù và phán: "Trước 1975, tôi sống ở miền Nam, đâu có biết bia hơi là gì. Nay cứ đọc bài thơ này mà suy ra: Bia hơi chắc chắn có ở miền Bắc từ thời chiến tranh (từ những năm 60 của thế kỷ trước). Muốn uống phải xếp hàng. Bia đong ra thành vại mà bán. Uống bia với nộm, với mực nướng là hết ý. Một khi đã uống đến mức ngà ngà rồi thì bom đạn cũng chẳng là cách đếch gì. Cuối cùng thì bia ngon là bia có lắm hơi. Phải chăng thứ đồ uống này có tên bia hơi là như vậy?"

Cứ mỗi lần rủ nhau đi uống bia hơi, ông C. lại bảo: "Cái món bia hơi ở Hà Nội bây giờ phát triển dữ quá ta! Chỗ nào hở ra là bia hơi! Có lẽ Hà Nội là thành phố uống bia hơi vào loại vô địch thế giới đấy!". Tôi cười cười: "Thì chỉ có Hà Nội có bia hơi thôi. Cho nên người Hà Nội có uống bia hơi vào loại vô địch thế giới thì cũng không lấy làm lạ". Nhưng tôi cũng nói thêm với ông C: "Bia hơi ở Hà Nội có nhiều loại lắm. Nào là bia Nhà máy (sản phẩm của Công ty rượu bia Hà Nội), bia Việt Hà (sản phẩm của Nhà máy bia Việt Hà), bia vi sinh (sản phẩm sản xuất thủ công thuộc dạng tự cũng tự cấp)...Và sở dĩ nhiều người ở Hà Nội thích uống bia hơi không phải vì bia hơi ngon nhất mà vì nó rẻ, hợp với túi tiền của người bình dân. Chỉ cần có một sô tiền vừa phải, là vài người có thể khề khà với nhau đến vài tiếng đồng hồ rồi". Ông C. đáp lại: "Đúng bia này là bia bình dân thật. Bình dân từ chỗ ngồi đến chỗ đi toa-lét. Bình dân từ cái cốc xanh lè chứa bia đến cái đĩa đựng ít của lạc luộc mộc mạc. Và bình dân nhất là tiếng ồn. Nhiều lúc nghĩ: Một khi đã vào quán bia hơi mà không có tiếng ồn thì đếch ra quán bia hơi".

Nhưng đây là câu chuyện xảy ra đã lâu rồi. Xảy ra từ những năm 90 kia, ngày ông bạn thân của tôi còn đang là trưởng đại diện của Hãng Pepsi tại Hà Nội.

Quanh đi quẩn lại đã mười mấy năm, kể từ ngày ông bạn thân của tôi trở về Nam, bia hơi Hà Nội ngày một phát triển thành một phong trào rộng lớn. Các quán to, quán nhỏ bán bia hơi mọc lên tự nhiên như cỏ mọc sau mưa vậy. Bây giờ cứ ra đường là gặp bia hơi, gặp người uống bia hơi.

- Đến 31 Kim Mã uống bia hơi đi! Bia Pacific hết thời rồi! Chủ quán Văn Dị vừa thay bia Pacific bằng bia hơi. Quán này to lắm và trông cũng khang trang lắm!

- Đến Cầu Trục uống bia hơi đi! Quán này mát lắm và hiện đại ra trò! Cảnh quan cũng khá!

- Quán bia hơi số 5 Ngọc Hà thay bằng bia hơi Đức rồi! Muốn uống bia hơi Nhà máy thứ thiệt thì đến 19 Ngọc Hà kia!

- Có tiện thì lên Tao Ngộ quán uống bia hơi. Vừa uống bia vừa thưởng thức gió Tây Hồ thì thật là tuyệt!

- Ra Thành Hà Nội mà uống bia hơi! Quán ở sát cổng Ngọ Môn thông sang sân vận động Cột Cờ ấy! Đến mà uống bia hơi để nhớ lại thời bao cấp!

- Ông quá bộ đến Bầu Bạn quán nhé. Quán ở trong Nhà thi đấu Cầu Giấy. Uống bia ở đây có "không khí" lắm!

- Ông đang ở đâu? Gần Bờ Hồ à? Vậy thì đến ngay rạp Kim Đồng cũ mà uống bia hơi. Chưa biết bao giờ rạp chiếu bóng này xây lại, chỉ biết bây giờ thế chân nó là một quán bia hơi. Đúng là "đầu tư nghỉ ngơi, bia hơi lên tiếng"!

- Tranh thủ mà ghé qua phố Hàng Quạt làm một vài cốc. Bia hơi mới về, uống đã lắm. Chỉ uống vài cốc giữa lòng phố cổ thôi, rồi về ăn cơm với vợ con...

Hình như rất thường xuyên, dân ghiền bia hay gọi điện thoại hoặc nhắn tin với nhau như thế! Nhưng thông tin qua các cuộc nhắn gọi này thường là quán và bia hơi. Chắc chắn là không có hai từ "quán" hoặc "bia hơi" thì không có việc người ta gọi cho nhau làm gì.

Tôi biết có một địa điểm ở đường Ngọc Khánh (vốn thuộc khách sạn Giảng Võ cũ), có một dạo kinh doanh ăn uống mãi mà không có khách hoặc ít khách. Chủ nhà hàng lo lắm. Bởi vì cứ lâm mãi vào tình trạng như thế này thì chỉ có nước phá sản. Thế rồi người ta cũng thoát khỏi thế bí nhờ...bia hơi.

- Sao lại nhờ bia hơi?

- Nói cho đầy đủ ra là thoát khỏi thế bí trong kinh doanh nhờ bán bia hơi.

- Rồi nhà hàng có đông khách không?

- Đông. Uống bia hơi mà được ngắm hồ nước, ngắm cây mọc bên hồ...thì thiếu gì người thích.

Tôi cũng biết: Năm ngoái, khách sạn 4 sao Bảo Sơn còn cho mở một quán bia hơi bình dân trên mặt một bể bơi, bán vé bơi với giá cắt cổ. Dân ghiền bia hơi đến đây cũng đông. Đông hơn hẳn lượng khách đến bơi. Những người đến đây bơi, bảo nhau: Bỏ ra mấy chục nghìn đồng để bơi ở cái bể bơi mi ni này, vừa bơi vừa bị ngửi mùi mực nướng, vừa bị nghe tiếng người trao đi đổi lại như đang họp chợ... kể cũng tiếc tiền. Đi luyện tập và đi thư giãn như thế thì chán lắm.

- Nhưng không làm thế thì không gia tăng doanh số.

- Nhưng làm thế là lợi bất cập hại.

- Sao lại lợi bất cập hai?

- Ông có biết "Thắng doa" không?

- Biết. Cái ông đang làm chủ nhà hàng Oasis sang trọng chứ gì?

- Đúng rồi. Nhưng chuyện quán bia hơi bình dân ở khách sạn Bảo Sơn, liên quan gì đến "Thắng doa"?

- Có đấy. Ông phải bình tĩnh nghe tôi nói mới được.

- Thì tôi đang bình tĩnh nghe ông nói đây.

- Cách đây đã lâu lắm rồi, ở nhà hàng, khách sạn Oasis, người ta mở thêm một quán ăn bình dân. Quán ăn bình dân thật đông khách. Nhưng sau đó, nhiều khách hàng sang trọng của khách sạn Oasis bỏ đi, khiến Oasis thua lỗ nhiều tỷ đồng. Rốt cục, ông "Thắng doa" phải dẹp cái quán bình dân ấy đi.

- Nhưng dầu sao thì việc khách sạn Bảo Sơn mở thêm quán bia hơi bình dân cũng chứng tỏ...

- Chứng tỏ gì?

- Bia hơi đang thắng thế! Bia hơi đang lên ngôi!

Nhưng có ai đó nghĩ: Các quán bia hơi chỉ để dành cho các khách hàng nằm trong đối tượng bình dân là không chuẩn đâu. Bây giờ đến quán bia hơi, khách hàng có thể gọi đủ các món ăn sang trọng loại đắt tiền. Muốn "đốt" tiền bao nhiêu thì tùy thích. Hình như chỉ có đồ uống là bình dân thôi. Nhưng một khi đã sa chân vào một quán bia hơi nào đó, có mấy ai mà chỉ uống ít như uống bia tươi hoặc rượu mạnh.

- Thế ông có biết dân ngoài này khi đi uống khác dân trong kia ở điểm gì không?

- Tôi không để ý lắm.

- Dân ngoài này uống cả ngày, nhậu cả ngày...Sáng ăn phở, đã uống. Trưa ăn cơm, cũng uống. Tối ăn cơm, càng uống.

- Tức là uống thả phanh, uống mất thắng, uống vô tư chứ gì

- Còn dân ở trong kia, khác lắm. Không bao giờ họ uống vào buổi sáng, buổi trưa đâu. Nếu có uống thì chỉ uống buổi tối thôi. Thế mới biết...

- Biết gì?

- Dân ngoài này còn nhiều người là "triệu phú thời gian" lắm!

- Nhưng đi uống bia hơi ở ngoài này bây giờ, tôi sợ nhất một điều...

- Điều gì nữa đây?

- Ở nhiều quán bia hơi, cứ quần tam tụ ngũ với nhau rồi là nâng cố và hô...dô...dô..dô...

- Dô...dô..dô...là cái gì vậy?

- Là vô...vô...vô, tức vào...vào...vào...tức...uống...uống...uống. Họ học cái thói xấu ở trong kia, rồi mang ra ngoài này đấy ông ạ. Chỉ tiếc là trong kia họ bỏ rồi thì ngoài này lại học tập. Đúng là học thày xong thì lại còn giỏi hơn thày. Trò hơn thày như thế thì khó coi lắm.

Huy Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bia hơi muôn năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.