(HNMO) - Sáng 18/12, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị đã tới thăm, tặng quà các tập thể và nhân chứng có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng
Tại Bảo tàng Chiến thắng B52, Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị đã nghe lãnh đạo Bảo tàng báo cáo tình hình hoạt động của Bảo tàng trong những năm qua.
Đại tá Nguyễn Tất Hậu, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô, đơn vị được giao quản lý Bảo tàng cho biết, Bảo tàng Chiến thắng B52 được khánh thành năm 1997, nhân kỷ niệm 25 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Hiện mỗi năm, Bảo tàng đón hơn 3 vạn khách tới tham quan, tìm hiểu về lịch sử và truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc ta.
Sau những lần được nâng cấp, tôn tạo, Bảo tàng Chiến thắng B52 hiện có diện tích hơn 4.500m2, trưng bày hơn 700 hiện vật, tài liệu, trong đó có nhiều hình ảnh, hiện vật, chiến tích lịch sử, sa bàn mô phỏng trận chiến 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Đáng chú ý, trong số các hiện vật, tư liệu này có xác máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi trên đường Hoàng hoa Thám ngày 27/12/1972, sa bàn mô phỏng Sở chỉ huy phòng không nhân dân Hà Nội, hệ thống rada tên lửa, hệ thống phòng không của quân dân Thủ đô, những hình ảnh đau thương và căm thù ở khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Uy Nỗ, An Dương..., những nơi đã hứng bom Mỹ rải thảm trong 12 ngày đêm năm 1972...
Phát biểu với tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng, Bí thư Thành uỷ cho rằng, Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không có ý nghĩa quyết định đối với cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Chiến thắng này bắt nguồn không chỉ từ lòng quả cảm, quyết tâm mà quan trọng là từ sự sáng tạo, thông minh của quân và dân Hà Nội.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, là một trong các đơn vị có chức năng ghi dấu, giữ gìn, trưng bày, giới thiệu về chiến thắng thần kỳ của quân và dân Hà Nội, Bảo tàng cần phải phát huy những giá trị về mặt nội dung sâu sắc, để người tham quan đến đây có ấn tượng riêng. Bảo tàng nên chú trọng tới cách thức trưng bày, giới thiệu hiện vật.
Bí thư Thành ủy mong rằng, ngoài những tư liệu, hiện vật về cuộc chiến đấu của chiến sĩ, quân đội Hà Nội, Bảo tàng thể hiện được ý chí, sức chiến đấu của nhân dân Hà Nội vì chính nhân dân là những người đã góp phần rất lớn vào chiến thắng này. Đặc biệt, nên chú trọng giới thiệu những hình ảnh, hiện vật mô tả lại cuộc sống, sinh hoạt của các chiến sĩ, nhân dân Thủ đô trong những ngày tháng đó; sưu tầm, kêu gọi những người từng chiến đấu, các tầng lớp nhân dân Hà Nội từng trải qua 12 ngày đêm máu lửa đóng góp các tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng. Công việc này nên làm khẩn trương, nếu không, các liệu, hiện vật quý sẽ bị mai một.
Tại Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không không quân, Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị đã cùng các chiến sĩ, quân nhân của Sư đoàn ôn lại truyền thống của Sư đoàn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Sư đoàn 361 cho biết, Sư đoàn có nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội và các vị trí trọng yếu khác ở miền Bắc. Kể từ khi được thành lập (ngày 19-5-1965) đến nay, Sư đoàn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu của Đảng, Nhà nước và nhiều lần vinh dự được Bác Hồ tới thăm.
Đặc biệt, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, góp phần quan trọng trong thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một trong những Sư đoàn bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất, với hơn 590 máy bay Mỹ, trong đó có siêu pháo đài bay B52. Riêng trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Sư đoàn đã bắn rơi 25/34 chiếc B52. Hiện nay, tập thể cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn vẫn đang tiếp tục công tác, rèn luyện tốt, xứng đáng với truyền thống cha anh, giữ vững lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân Thủ đô.
Thay mặt Thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chúc mừng lực lượng phòng không không quân, Sư đoàn 361 đã có đóng góp ý nghĩa cho Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, đè bẹp ý chí chiến đấu của giặc Mỹ, giúp đưa đất nước ta đến thắng lợi cuối cùng. Bí thư đã trao tặng Sư đoàn bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang chỉ đạo chiến dịch biên giới với lời gửi gắm Sư đoàn luôn giữ vững truyền thống, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tiếp đó, Bí thư Thành ủy đã tới thăm và tặng quà bà Phạm Thị Viễn, nữ chiến sỹ tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động và gia đình liệt sỹ Vũ Xuân Thiều, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong 12 ngày đêm ấy, liệt sỹ Vũ Xuân Thiều là phi công chiến đấu thuộc Đại đội 9 Trung đoàn 927, Sư đoàn 371 Không quân, trực tiếp tham gia chiến đấu và hi sinh tháng 12/1972. Đêm 28/12/1972, phi công Vũ Xuân Thiều đã cất cánh từ sân bay dã chiến vùng rừng Cấm Thủy (Thanh Hóa), gặp máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời Sơn La, ông đã phóng cả 2 quả đạn tên lửa nhưng chưa hạ được. Ông liền tăng tốc, đâm thẳng vào chiếc B52 còn mang đầy bom chưa ném. Đây là chiếc B52 thứ hai bị hạ bởi Không quân nhân dân Việt Nam. Tháng 12/1994, ông đã được Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Cũng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, khi đế quốc Mỹ đem B52 rải thảm bom xuống Thủ đô với âm mưu tàn độc “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”, bà Phạm Thị Viễn đã tham gia trực chiến trên trận địa cả ngày lẫn đêm. Hỏa lực của Trung đội súng máy cao xạ của Nhà máy Cơ khí Mai Động là hai khẩu 14,5mm với nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu phía nam thành phố trước các máy bay chiến thuật của địch như: Nhà máy dệt 8/3, nhà máy Cơ khí Mai Động; nhà máy dệt Minh Khai, nhà máy bánh kẹo Hải Châu và các trận địa pháo 37mm, 100mm của bộ đội khu vực Vĩnh Tuy, Mai Động, Vân Đồn… Đêm ngày 22/12, ở vị trí pháo thủ số 1, bà Viễn đã cùng đồng đội bắn rơi máy bay F111 của Mỹ.
Cảm ơn sự đóng góp của bà Phạm Thị Viễn, liệt sỹ Vũ Xuân Thiều và gia đình các ông, bà với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khằng định, họ luôn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, sự hi sinh anh dũng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2012), ngoài các hoạt động như tổ chức hội thảo, giao lưu, mít tinh..., Thành phố Hà Nội còn tặng quà cho hơn 5.100 đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ, đại diện tiêu biểu người trực tiếp tham gia chiến đấu, đại diện các gia đình nạn nhân trong chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không". Thành phố cũng đã thành lập 5 đoàn do các đồng chí lãnh đạo Thường trực Thành ủy đi thăm và tặng quà 6 tập thể và 14 cá nhân tiêu biểu của một số quận, huyện (thời gian đi thăm từ ngày 18 – 21/12/2012). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.