Chính trị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Mọi việc có sự đồng thuận của nhân dân sẽ thành công

Hà Vũ - Ảnh: Viết Thành 28/07/2023 - 19:37

Chiều 28-7, tham luận tại hội nghị giao ban giữa đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai với Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, mọi việc có sự đồng thuận của nhân dân thì ắt sẽ thành công.

Đây là 1 trong 5 bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay.

d1.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị ở điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng Đảng

Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương, quy định của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng thông qua việc chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, ban hành hơn 40 nghị quyết, quy định, đề án rất quan trọng của Thành ủy Hà Nội với nhiều quan điểm mới như Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo; Quy định 07-QĐ/TU ngày 17-11-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố; Quy định số 12-QĐ/TU ngày 8-5-2023 của Thành ủy về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy chế làm việc của Thành ủy…

Hà Nội đã sớm hoàn thành việc xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 ở cả ba cấp bảo đảm tiến độ, chất lượng và số lượng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch; thực hiện điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với 67 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và 2.591 lượt cán bộ thuộc diện quận, huyện, thị ủy quản lý...

Thành ủy đã tập trung xây dựng các đề án, quy định về quản lý đảng viên và nâng cao chất lượng đảng viên. Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ thành phố đã kết nạp được trên 31.700 đảng viên, riêng năm 2022 kết nạp được 10.183 đảng viên, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra.

Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành 31 văn bản để cụ thể hóa, quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các ý kiến chỉ đạo, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Ban Chỉ đạo Thành ủy đã đưa vào diện theo dõi để tập trung chỉ đạo xử lý 63 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đến nay đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo 13 vụ án, vụ việc; hiện còn chỉ đạo xử lý 50 vụ án, vụ việc đang tiếp tục theo dõi, chỉ đạo tập trung xử lý.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy và Ủy ban kiểm tra cấp ủy trực thuộc đã thi hành kỷ luật 28 tổ chức Đảng (khiển trách 25; cảnh cáo 3) và 2.377 đảng viên (khiển trách 1.783, cảnh cáo 281, cách chức 25, khai trừ 288 trường hợp).

d2.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị ở điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng kinh tế Thủ đô phục hồi và tăng trưởng khá, năm sau tăng hơn năm trước và tăng hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. GRDP năm 2021 tăng 2,92% (cả nước tăng 2,58%); GRDP năm 2022 tăng 8,89% (cả nước tăng 8,02%), với quy mô GRDP của Hà Nội theo giá hiện hành đạt 1.196 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng, tăng 10,6% so với năm 2021; GRDP 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 5,97% so cùng kỳ (cả nước tăng 3,72%).

Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước được đảm bảo: Thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt 12,3% so với dự toán; thu ngân sách nhà nước năm 2022 vượt 6,5% so với dự toán; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 220,1 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán, tăng 22,9% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt trên 94%; các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác đều có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Quốc phòng, an ninh được củng cố; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững và đảm bảo. Công tác đối ngoại với các tỉnh, thành phố trong cả nước và hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng; công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Thủ đô ngày càng được nâng lên.

Cùng với kiểm soát thành công đại dịch Covid 19, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo thông qua và giao các cơ quan chức năng thực hiện nhiều chủ trương, quyết sách, đề án quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của Thủ đô trước mắt và tương lai, như: Tham mưu trình và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiến hành tổng kết Luật Thủ đô năm 2012, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Xây dựng các Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố (Hà Nội đã thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ khoảng 37% tổng số thủ tục hành chính); Đề án quản lý, sử dụng và khai thác nguồn lực từ tài sản công; Đề án xử lý các dự án ngoài ngân sách nhà nước có sử dụng đất chậm triển khai.

Ưu tiên đầu tư ba lĩnh vực y tế, giáo dục, các công trình di tích văn hóa lịch sử (khoảng 90 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo); khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sau 1 năm Quốc hội thông qua chủ trương...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế; đồng thời rút ra 5 bài học kinh nghiệm có ý nghĩa quyết định đối với thành công vừa qua và phải tập trung thực hiện để khắc phục hạn chế, khó khăn, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thời gian tới.

Trong đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, phải sớm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ; có lộ trình, bước đi phù hợp, lựa chọn những trọng tâm, trọng điểm, đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn để tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên quan tâm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt, theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, một bài học kinh nghiệm rất quan trọng là phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong các công việc của thành phố; luôn nhận thức sâu sắc phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”; mọi việc có sự đồng thuận của nhân dân thì ắt sẽ thành công. Điều này đã được minh chứng qua công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vừa qua.

“Có được kết quả bước đầu trên, Thành ủy Hà Nội trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự hỗ trợ, giúp đỡ của ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; trước mắt là giúp cho Hà Nội sớm được thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai đưa vào sử dụng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo đúng tiến độ đã đề ra".

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Mọi việc có sự đồng thuận của nhân dân sẽ thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.