(HNM) - Trước Tết Canh Dần, sau khi chứng kiến những thành quả trong năm 2009, nhất là việc bi thủ Hà Nội Nguyễn Thị Hiền đăng quang tại Đại hội Thể thao trong nhà châu Á lần thứ III năm 2009 cũng như SEA Games 25, Chủ nhiệm CLB bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui và HLV Bùi Anh Tuấn - những người gắn bó với bi sắt Hà Nội từ những ngày đầu mới có dịp ngồi ôn nghèo kể khổ. 6 năm chèo chống để cuối cùng có VĐV đoạt HCV châu lục hay SEA Games với họ không đơn giản chút nào. Buổi đầu gây dựng
Chuyện gây dựng CLB bi sắt Hà Nội nảy ra từ cuối năm 2003. Khi ấy nhận thấy điều kiện cơ sở vật chất, con người của thể thao Hà Nội hoàn toàn có thể đáp ứng việc phát triển môn thể thao dù còn lạ lẫm với người Hà Nội nhưng lại có cơ hội xuất hiện trong chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) nên lãnh đạo thể thao Hà Nội quyết định cử người đi học hỏi kinh nghiệm phát triển ở các tỉnh thành phía Nam. Đầu năm 2004, một đoàn cán bộ do đích thân Phó Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hà Khả Luân, người từng đưa môn cầu mây du nhập Việt Nam thành công, dẫn đầu vào miền Nam để tham quan, học hỏi mô hình phát triển bi sắt. Sau chuyến tham quan học hỏi ấy, điều mà ông Luân và các cộng sự nhận ra lại là muốn bi sắt Hà Nội phát triển như các tỉnh, thành phía Nam thì phải rất lâu mới theo được. Ở đó, tất cả VĐV đều không qua trường lớp đào tạo nào mà chủ yếu đi lên từ phong trào, tập luyện không bài bản. Vì vậy muốn bi sắt Hà Nội nhanh chóng bắt kịp địa phương bạn chỉ có cách mời chuyên gia nước ngoài ở đất nước phát triển mạnh môn này huấn luyện cho VĐV kết hợp với các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài để VĐV tích lũy kinh nghiệm, rèn bản lĩnh thi đấu. Và để có VĐV gặt hái HCV quốc tế cũng phải đầu tư từ 5 đến 7 năm.
Đường hướng là vậy, vấn đề còn lại chỉ là tuyển VĐV. Cứ ngẫm cảnh VĐV đội nắng mà tập luyện ròng rã mấy tiếng đồng hồ rồi cách chơi có vẻ đơn điệu, chỉ tung đi tung lại mấy viên bi sắt, những người có trách nhiệm tuyển sinh như Chủ nhiệm CLB Đặng Xuân Vui (chuyển từ cầu mây sang), HLV Bùi Anh Tuấn (từ bóng ném sang) vô cùng lo lắng. Lúc đấy, họ cứ nghĩ rằng tuyển được 6 VĐV trong thời gian đầu đã là tốt lắm rồi. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn tuyển mộ, CLB đã có tới hơn 50 VĐV. Số này đến từ các bộ môn khác, như đấu kiếm, xe đạp, điền kinh… (trong đó nhà vô địch ĐH Thể thao châu Á lần thứ III cũng như SEA Games 25 Nguyễn Thị Hiền đến từ môn đấu kiếm) và nhiều người trước đó chưa từng theo tập thể thao chuyên nghiệp, đang làm nghề cắt tóc hoặc bộ đội mới xuất ngũ…
Thời gian đầu, khi chưa có chuyên gia, thầy trò cứ mầy mò học theo băng hình và mấy quyển sách luật. Trưa hè tháng 6, khi CLB chưa có nhà điều hành, thầy trò cứ nghỉ ngay hành lang mấy khu nhà tập cũ kỹ trong Cung thể thao Quần Ngựa rồi đến giờ lại đội nắng tập luyện. Tiền bồi dưỡng luyện tập lúc ấy cũng chưa có nên thầy trò cứ uống trà đá mà tập với nhau. Hoàn cảnh vất vả như vậy nên nhiều VĐV đành chia tay môn thể thao yêu thích để ra ngoài kiếm kế sinh nhai. Trong số này, nhiều người có tố chất tốt mà đến giờ mỗi khi nhắc lại thầy Vui, thầy Tuấn cứ tiếc hùi hụi.
Thành quả
Sau một thời gian được chuyên gia Thái Lan huấn luyện, các VĐV bi sắt đã làm ngỡ ngàng các đoàn bạn trong lần đầu dự giải quốc gia năm 2005. Cách khởi động bài bản, cách đi lại chào khán giả của họ là những thứ mà VĐV đã thi đấu nhiều năm ở các tỉnh, thành khác cũng chưa từng được dạy. Chỉ từng ấy cũng đủ để ông Hà Khả Luân và thầy trò CLB bi sắt Hà Nội tin rằng không chọn lầm đường đi nước bước để tiếp cận đỉnh cao. Cũng vì vậy mà đến nay, luôn có một chuyên gia Thái Lan làm việc tại CLB bi sắt Hà Nội để giải quyết các vấn đề kỹ thuật cơ bản cho VĐV.
Ngay những chuyến tập huấn tại Thái Lan dù tốn kém (có lẽ ở Việt Nam chỉ mình bi sắt Hà Nội chịu chơi đến vậy) cũng được thực hiện. Cái may là ông Hà Khả Luân có mối quan hệ tốt với Liên đoàn bi sắt Thái Lan nên địa điểm tập huấn, đối tượng tập huấn được thu xếp dễ dàng, các VĐV được cọ sát liên tục tại các giải đấu. Cũng từ những chuyến tập huấn như vậy mà thành tích của VĐV Hà Nội cứ tuần tự tăng dần một cách vững chắc. Rõ nhất và đáng kể nhất là 2 chiếc HCV tại ĐH Thể thao trong nhà lần thứ III và SEA Games 25 của Nguyễn
Thị Hiền. Đấy không chỉ là 2 HCV của một cá nhân mà còn là HCV cho đường hướng đầu tư đúng đắn.
Trước Tết Canh Dần gần 1 tháng, Đội bi sắt Hà Nội đã sang Thái Lan tập huấn để chuẩn bị cho giải bi sắt thuộc ĐH Thể thao toàn quốc 2010 vào tháng 4. Tết Canh Dần này, cả Chủ nhiệm Đặng Xuân Vui lẫn các VĐV đều ăn Tết tại Thái Lan, chấp nhận không được vui vầy cùng gia đình. Đối với họ, muốn có quả ngọt chỉ có cách khổ luyện và hy sinh một chút thú vui cá nhân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.