Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí mật đằng sau động thái cắt giảm hơn 2.300 nhân sự của VPBank

Huyền Mai| 18/12/2019 11:25

Công nghệ giúp VPBank kiểm soát chặt chẽ chi phí, đồng thời mở ra con đường phát triển một hệ sinh thái trọn vẹn trong tương lai.

Trong 9 tháng năm nay, theo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), số nhân sự đang làm việc tại ngân hàng mẹ còn 9.144 người, giảm hơn 2.300 người, tương đương 20% tổng nhân sự so với thời điểm đầu năm.

Trong quá khứ, việc ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân sự thường đi kèm với những thông tin không mấy tích cực như tình hình kinh doanh không khả quan, hay thị trường vĩ mô kém thuận lợi. Tuy nhiên, trường hợp của VPBank tỏ ra khác biệt khi ngân hàng vẫn đang duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng.

Tính đến cuối quý III-2019, VPBank tăng trưởng tín dụng 14,7%, vượt xa trung bình ngành là 8,95%. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng dẫn đầu trong nhóm ngân hàng tư nhân đạt 26.334 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí hoạt động (OPEX) của ngân hàng không tăng so với cùng kỳ trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh. Với ngân hàng mẹ, chi phí hoạt động chỉ tăng gần 12%, trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng gần 26%, giúp tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập hoạt động (CIR) giảm 6%, từ 40,4% vào quý II-2019 xuống 34,6% trong quý III-2019.

“Đó mới chỉ là điểm khởi đầu trong kế hoạch cải tổ hệ thống theo chiều sâu của ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, các hoạt động cấu trúc lại mạng lưới bộ phận đã giúp VPBank giảm một lượng lớn nhân sự”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ.

Hoạt động cắt giảm diễn ra tập trung tại ngân hàng mẹ. Mặc dù vậy, ông Vinh cho biết, trong năm tới, công ty tài chính FE Credit cũng sẽ có những động thái tương tự nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.

Chìa khóa giúp VPBank có thể mạnh tay cắt giảm chi phí nằm ở công nghệ. Thông qua việc gắn kết các hoạt động kinh doanh với trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, đồng thời ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực hoạt động, hàng loạt tác vụ tại VPBank hiện nay có thể triển khai hoàn toàn tự động, không cần sự tham gia của con người. Chẳng hạn, khoảng 40% số thẻ tín dụng được mở mới và 34% vay tín chấp cá nhân được xét duyệt qua kênh trực tuyến. Các ứng dụng như Internet Banking, VPBank Online đã có thể đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu của khách hàng từ chuyển tiền, vay tiền, mua sắm... Tại các phòng giao dịch, các máy gửi tiền tự động càng làm giảm vai trò của nhân viên ngân hàng.

“Đơn giản là ứng dụng công nghệ cho phép VPBank hoạt động năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn và không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ”, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết.

Trong thời gian qua và cả trong tương lai, công nghệ đã và đang tác động rất lớn tới ngành ngân hàng, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ. Báo cáo của ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) từng dự báo, sẽ có 200.000 nhân viên ngân hàng mất việc vì robot trong thập kỷ tới. Trong đó, khối hỗ trợ (back-office), chi nhánh ngân hàng, tổng đài và nhân viên khối khách hàng doanh nghiệp có thể bị cắt giảm 20-30% lao động.

Mặt khác, công nghệ còn giúp các ngân hàng có thể tiến công nhanh, tiếp cận nhiều cơ hội và thị trường kinh doanh đa dạng, mà không cần phải đồng thời mở rộng lực lượng nhân sự. Đây là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển của VPBank thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ, trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số tại VPBank không chỉ đơn thuần là số hóa hệ thống ngân hàng, mà là hướng tới việc tạo lập một hệ sinh thái mở, gồm nhiều dịch vụ liên kết nhau với hạt nhân là VPBank và FE Credit. Hiện, VPBank đang cụ thể hóa chiến lược này thông qua các hoạt động mở rộng liên kết, hợp tác với các công ty Fintech, startup công nghệ có tỷ lệ tự động hóa cao và tiếp cận nhóm cơ sở khách hàng mới.

Bản thân FE Credit cũng đang định hướng mình trở thành một hệ sinh thái khổng lồ với các hoạt động cho vay tiêu dùng, mua sắm, thanh toán hóa đơn, dịch vụ... chứ không chỉ đơn thuần là một công ty tài chính. Gần đây nhất, FE Credit đã tích hợp ngân hàng số cho giới trẻ YOLO vào trong hệ sinh thái của mình.

Chiến lược của ban lãnh đạo VPBank được thúc đẩy bằng kết quả lợi nhuận khả quan. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2019 của ngân hàng ghi nhận 7.199 tỷ đồng, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Đức Vinh, với việc OPEX tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới, tỷ trọng thu nhập trước thuế trên tổng thu nhập hoạt động của VPBank có thể tăng từ mức 27% thời điểm hiện tại lên ngưỡng 35-40% trong năm tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bí mật đằng sau động thái cắt giảm hơn 2.300 nhân sự của VPBank

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.