Để che đậy nguồn gốc của mình, trùm Đức Quốc xã Adolf Hitler đã ra lệnh thủ tiêu nhiều người, thậm chí, có người là bà con của hắn. 62 năm sau ngày tàn của chế độ phát xít, tội ác trên được ghi nhận từ lời kể những người thân cuối cùng còn sống của Hitler.
Aloisia V. hay còn được gọi là “Lousie”, ra đời vào tháng 6 năm 1891. So với Hitler thì cô nhỏ hơn hai tuổi (Hitler sinh năm 1889). Aloisia V. là con gái đầu lòng trong một gia đình nông dân ở miền bắc nước Áo. Bà nội Hitler, Maria Anna và bà nội Aloisia, Josefa, là chị em ruột.
Trong các lá thư, cha Hitler thường xưng với cha Aloisia: “Gửi người anh họ kính mến” và kí tên “người em thành thật của anh: Alois Hitler". Thời thơ ấu của trùm phát xít và Aloisia dường như có những nét tương đồng với nhau: cả hai đều mồ côi cha từ rất sớm. Alois Hitler mất vào năm 1903, khi Adolf Hiler vừa tròn 14 tuổi. Một năm sau đó cha của Aloisia cũng bị bệnh qua đời. Sau cái chết của hai người cha, không ai được rõ liệu hai gia đình có còn giữ liên lạc với nhau hay không.
Gần 40 năm sau, số phận đưa đẩy Hitler và người chị họ xa của mình gặp nhau lần nữa, và đó tiếp tục là một tấm bi kịch: ngày 6 tháng 12 năm 1940, Aloisia chết trong phòng hơi ngạt tại trại tập trung ở vùng Hartheim, cao nguyên nước Áo. Người ra lệnh thủ tiêu cô không phải ai xa lạ, đó chính là người em họ của mình: Adolf Hiller.
Lược qua hồ sơ bệnh án của Aloisia
Cho đến tận gần đây, các nhà chức năng mới tìm được hồ sơ bệnh án của Aloisia và đưa ra ánh sáng. Sự thật Alosia bị chính quyền Đức Quốc xã lúc đó giết chết với lý do căn bệnh thần kinh hoang tưởng. Alosia luôn cảm thấy rằng sự tồn tại của mình trong chế độ Đức Quốc xã là một cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa.
Đọc những gì cô viết trong giai đoạn đầu của căn bệnh, khi Aloisia đang ở Wien năm 1932: “Mỗi ngày hiện hữu trong tôi những thứ hoàn toàn khác nhau. Mới tuần trước vừa là sự đau buồn, thì liền sau đó là niềm hạnh phúc dạt dào”. Đến lúc cuối đời, Aloisia cũng không biết mình được đưa đi đâu, phải chết ở chỗ nào. Vật còn sót lại duy nhất trên người cô là con số “2155”. Số áo tù đã cùng Aloisia trên con đường đến trại tập trung ở Hartheim.
Đấu năm 1944, tức 3 năm sau cái chết của Aloisia, Heinrich Himmler, sếp bộ phận an ninh Đức Quốc xã, đã gửi văn phòng quốc trưởng một công văn đặc biệt. Tài liệu được đánh giá là bí mật quốc gia, liên quan trực tiếp đến Hitler. Đó chính là những thông tin, những bằng chứng, đặt một dấu chấm hỏi nghi ngờ về huyền thoại cuộc đời, thân thế vị quốc trưởng vĩ đại.
Ngoài ra nó còn chứa đựng tin đồn về một số người thân của Hitler: tất cả đều bị chứng bệnh khờ khạo hay thần kinh. Người chủ mưu phát tán những tin trên là phe đối lập của Hitler ở Graz St. Peter, một nhóm theo đường lối chính trị Thiên Chúa giáo cực đoan.
Nguồn gốc của trùm phát xít
Cho đến ngày nay có hàng ngàn giả thiết về nguồn gốc của Hitler. Có phải thật sự việc những người họ hàng bị thần kinh là một bí mật mà Hitler luôn luôn tìm mọi cách để che đậy? Bản mật báo của Himmler vào năm 1944 cũng đồng tình với quan điểm này. Trong lần xuất hiện trên diễn đàn chính trị đầu tiên, Hitler đã phải chiến đấu chống lại những tin đồn về xuất thân và nguồn gốc gia đình mình.
Sau đó, vào đầu những năm 20, trong nội bộ Đảng quốc xã Đức (NSDAP) cũng có nhiều tin đồn về thân thế cuả Hitler. Thậm chí, nhiều người còn truyền tai nhau rằng: với xuất thân từ “gốc Do Thái”, Hitler sẽ xoá sổ toàn bộ Đảng quốc xã trong tương lai.
Năm 1931, người cháu gái Geli Raubal của Hitler tự sát trong căn hộ của ông tại Munich. Sau sự kiện đó, hàng loạt câu hỏi về nguồn gốc của trùm phát xít đã được các báo chí, đài phát thanh đặt ra. Tờ “Österreichische Abendblatt” cho đăng bài viết vào tháng 6, năm 1933 với tiêu đề “lần theo dấu vết nguồn gốc Do Thái của Hitler ở Wien”.
Rồi hàng loạt các cuộc điều tra, từ họ hàng, người thân, bạn bè thậm chí đến cách xây dựng mồ mả của gia đình Hitler. Cánh báo chí hy vọng rằng qua đó sẽ tìm được những nét văn hoá đặc biệt, đặc trưng cho nguồn gốc gia đình hay một dân tộc nào đó.
Ngay cả nguồn gốc họ “Hitler”, cũng có nhiều giả thuyết. Một trong số phổ biến nhất là: do cha mẹ mất sớm, nên cha của Hitler đã lấy họ theo người cha sau của mình là “Hiedler”. Thế nhưng không biết do nhầm lẫn, hay một lý do nào khác mà các cha xứ lại ghi nhầm tên ông trong hồ sơ là “Hitler” thay vì “Hiedler”.
Tại sao Hitler phải thủ tiêu Aloisia V. ?
Tấm bi kịch của hai người anh em bà con xa Anolf và Aloisia được chính thức bắt đầu vào năm 1932. Ngày 23 tháng Giêng, trong lúc Aloisia đang ở khách sạn Hoeller, đối diện khu triển lãm thành phố của Wien, thì bị bắt áp tải vào bệnh viện.
Người quản lý khách sạn cho biết, anh nhận thấy những biểu hiện bất bình thường ở Aloisia. Còn vị bác sĩ bệnh viện thì ghi chú rằng: bệnh nhân có những dấu hiệu của bệnh thần kinh. Cô ta sợ đi vào cửa chính khách sạn vì cô luôn thấy sự hiện diện của ma quỷ xung quanh. Bệnh nhân thường xuyên khóc một mình. Aloisia không cảm nhận được sự hiện hữu của mình trong thế giới. Hồ sơ bệnh án của cô được xếp vào chứng thần kinh hoang tưởng.
Vào ngày 18 tháng Hai, toà án Đức Quốc xã đã ra lệnh bắt Aloisia vào trại tập trung. Vào thời điểm này, chính quyền Đức Quốc xã chọn cách giam giữ tất cả bệnh nhân thần kinh lại một chỗ với nhau, được xem như cách chữa trị tối ưu nhất. Lúc này Hitler đang trên con đường giành lấy quyền lực tối cao.
Ngày 22 tháng Hai năm1932, Hitler được chọn là ứng cử viên cho chiếc ghế thủ tướng. Với 38% số phiếu ủng hộ, trùm phát xít đánh bại các đối thủ khác, trở thành thủ tướng Đức vào ngày 30 tháng Giêng năm 1933.
Để xây dựng chế độ Quốc xã hùng mạnh, Hitler ban hành nhiều chính sách phát xít cực kỳ dã man. Với điều luật “thủ tiêu những con người làm độc hại và trì níu bước đi của dân tộc”, bốn năm sau đó, trùm phát xít ra lệnh thủ tiêu hàng loạt các bệnh nhân bị tật nguyền hoặc mang những bệnh về thần kinh. Sắc lệnh có hiệu lực vào ngày 1 tháng Chín năm 1939, đúng vào ngày mở màn của Thế chiến thứ hai.
Aloisia đã trải qua cuộc sống trong trại tập trung với những điều kinh khủng nhất. Cô từ chối ăn uống, bị suy nhược về thể chất. Cuối năm 1953, Aloisia nói với một nữ chăm sóc viên: máu của cô đang từ từ đông lại, cô sắp chết! Tháng 12 năm 1940, chính quyền Quốc xã thông báo sẽ đưa Aloisia đến một “trại tập trung khác”. Thế nhưng sau đó bọn chúng đưa cô đến hầm gas, và thủ tiêu cô tại đó. Hài cốt của Aloisia được đổ vào hố chôn tập thể như 30 ngàn nạn nhân khác ở Hartheim.
Phát hiện ra dấu vết
Vào năm Aloisia bị chính quyền Đức Quốc xã thủ tiêu, Hitler đang ở trên vị trí cao nhất của quyền lực. Radio đưa tin mỗi giờ về chiến thắng của quân phát xít trên khắp các mặt trận châu Âu.
Trùm phát xít đang mơ về một chiến thắng cuối cùng, nuốt trọn cả thế giới, mở ra một triều đại mới trong lịch sử nhân loại. Hơn bao giờ hết, Hitler và tay chân của hắn tiếp tục đưa đề tài “xuất thân và nguồn gốc của ngài Quốc trưởng” vào một trong những bí mật không thể xâm phạm của quốc gia.
Theo ý kiến của nhiều nhà viết sử, đây là giai đoạn mà Hitler đã sử dụng tất cả quyền lực đang có trong tay nhằm bưng bít những chuyện về mình trong quá khứ, xây dựng một tượng đài lãnh tụ vĩ đại cho đế quốc của hắn sau này.
Các nguồn tin của bộ phận an ninh quân Đồng minh tiết lộ thêm, không chỉ riêng Aloisia mà Victoria, một chị em bà con khác với Hitler cũng đã từng bị quản thúc tại trại tập trung ở Granz.
Các người bà con khác của Hitler cho biết rằng, trong chế độ Đức Quốc xã, họ hoàn toàn không được phép tồn tại với tư cách là người trong gia đình của Quốc trưởng.
Trả lời phỏng vấn của báo Profi (Áo) năm 2003, cháu họ xa của Hitler, Johann Schmidt nói: "Để được sống, tôi phải như con búp bê, luôn luôn im lặng. Tôi chưa từng cảm nhận được một cuộc sống đích thực dưới chế độ của Đức Quốc xã".
Schmidt cùng với 4 anh chị em họ khác của Hitler bị mật vụ Liên Xô bắt giam sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Em của Schmidt, ông Eduard Schmidt khai với cơ quan tình báo Liên Xô rằng, Hitler có để lại cho ông 8000 DM để trang trải chi phí mua nhà mới.
Từ nhiều năm nay, Eduard bị bệnh, không còn khả năng làm việc. Ông bị toà án kết tội vì có liên quan đến Hitler và chết nửa năm sau đó trong tù. Johann Schmidt là người bà con cuối cùng của trùm phát xít còn sống. Những tài liệu về thân thế cũng như những người trong gia đình của Hitler cũng đã được tìm thấy trong hồ sơ của cơ quan an ninh Nga KGB.
(Còn nữa)
Trương Minh/VNN
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.