Ngày 16-7, Mỹ đã kiện một số đối tác thương mại lớn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan tới những biện pháp đáp trả của những quốc gia này với các mức thuế mà Washington áp đặt với các hàng hóa và kim loại nhập khẩu.
Nhà Trắng lập luận rằng xét trong bối cảnh thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các quốc gia này rất lớn thì việc Washington áp thuế là công bằng, song những biện pháp đáp trả là không chấp nhận được.
Trong thông báo mới đưa ra, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định, chính sách của Tổng thống Trump là hoàn toàn hợp pháp và công bằng xét theo luật pháp Mỹ và các quy định thương mại quốc tế.
Công nhân làm việc tại một nhà máy luyện thép ở Monterrey, Mexico ngày 31-5. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Các quốc gia khác, thay vì ngồi lại đàm phán với Mỹ để giải quyết vấn đề, lại chọn cách phản ứng với những biện pháp đối kháng, làm tổn hại tới người lao động, nông dân và các doanh nghiệp Mỹ.
Quan chức này khẳng định những biện pháp đánh thuế đáp trả là vi phạm quy định của WTO. Trước động thái mới của Mỹ, Mexico khẳng định mức thuế mà Mỹ áp đặt với những mặt hàng nhôm và thép xuất khẩu của quốc gia này là không công bằng vì việc nhập khẩu những mặt hàng này từ Mexico không đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Trước đó, Mỹ đã bắt đầu các vụ tranh chấp riêng rẽ nhằm vào Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Canada, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ vì những mức thuế đáp trả của các quốc gia này áp đặt với các sản phẩm nông nghiệp và máy móc nhập từ Mỹ.
Theo Phòng Thương mại Mỹ, việc các quốc gia áp thuế đối kháng, chủ yếu nhằm vào những khu vực cử tri chủ chốt của phe Cộng hòa cầm quyền, có thể khiến ngành xuất khẩu Mỹ tổn hại khoảng 75 tỷ USD.
Từ hồi tháng Ba vừa qua, Tổng thống Mỹ đã quyết định áp thuế mới với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các nước như nhôm, thép, máy móc, tấm năng lượng mặt trời cùng nhiều hàng hóa khác nhập từ Trung Quốc có tổng trị giá lên tới nhiều tỷ USD nhằm gia tăng sức ép, buộc Bắc Kinh và các đối tác lâu năm phải điều chỉnh cán cân thương mại với Washington.
Kể từ đó, các biện pháp "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc vẫn tiếp diễn bất chấp cảnh báo về sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trước nguy cơ chiến tranh thương mại.
Hồi đầu tháng này, nhằm đáp trả các mức thuế đối kháng của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ đã chính thức cho phép giới chức thương mại nước này xem xét danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá 200 tỷ USD sẽ bị áp thuế sớm nhất là vào tháng 9 tới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo những biện pháp gia tăng hạn chế thương mại là "mối đe dọa lớn nhất trong ngắn hạn" đối với nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tại một số quốc gia lớn như Pháp, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.