Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bệnh viện” dưới bóng bồ đề

Nguyễn Lê - Huyền Trang| 07/01/2020 07:27

(HNM) - Đều đặn từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần, cánh cửa từ bi lại mở ra tại “bệnh viện” trong chùa Vạn Thọ. Hơn 40 năm qua, các sư thầy trong ngôi chùa này đã chữa các bệnh về xương khớp, bong gân, nhức mỏi cho biết bao người. Tiếng lành đồn xa, không chỉ người dân địa phương mà bệnh nhân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hay tin cũng tìm đến chùa chữa bệnh.

Hòa thượng, lương y Thích Thanh Sơn, trụ trì chùa Vạn Thọ chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Nguyễn Lê

Đến chùa chữa bệnh

Nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xanh mát, hiền hòa, từ lâu chùa Vạn Thọ (số 247, đường Hoàng Sa, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đã được xem là “địa chỉ” chữa bệnh xương khớp theo phương pháp y học cổ truyền rất “mát tay”... Chúng tôi bước vào cổng chùa, bên tay trái, tấm biển hiệu khiêm tốn ghi dòng chữ “Phòng chẩn trị y học cổ truyền - chuyên khoa trật đả”.

Phòng khám không lớn, nhưng ấm áp và gần gũi. Ở đây, người giàu, người nghèo bình đẳng như nhau, không có “khám dịch vụ”, người đến trước khám trước, đến sau khám sau. Lúc đông bệnh nhân, người ít tuổi tự ý thức nhường cho người cao tuổi khám trước. Hơn 40 năm nay, chùa điều trị hoàn toàn miễn phí nên bà con thường gọi với cái tên thân thiện “bệnh viện dành cho người nghèo”.

Chị Đặng Thị Thúy An (28 tuổi, ngụ quận 1) chia sẻ, chị biết đến ngôi chùa này đã hơn 10 năm, chữa trị ở đây nhiều lần và thấy hiệu quả tốt. Vì vậy, mỗi khi mắc các bệnh về xương khớp, chị An đều đến đây điều trị. Phòng khám công bố nguồn gốc của các loài thảo dược dùng làm thuốc nên chị hoàn toàn yên tâm. “Chùa sắp xếp chỉ khám buổi chiều rất thuận lợi cho người dân, vì đa phần người bệnh đến đây là công nhân, lao động tay chân hay mắc các bệnh về xương khớp. Họ không đủ điều kiện kinh tế và thời gian để điều trị lâu dài...”, chị An chia sẻ.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh (53 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho hay, bà hay bị đau lưng và nhức mỏi. Được bạn bè giới thiệu, bà Hạnh đã tìm đến chùa. “Mỗi lần cơ thể nhức mỏi tôi lại tìm đến đây như một địa chỉ quen thuộc”, bà Hạnh nói. Còn bà Trần Thị Lệ Hạnh (50 tuổi, ngụ quận 12) cho biết, cánh tay của bà hay đau nhức do trước đây bị gãy trong một vụ tai nạn giao thông. Đến đây, bà được các sư cô chăm sóc tận tình, nắn và đắp thuốc. Dù ở quận 12, đi lại khó khăn nhưng bà Hạnh vẫn “lặn lội” đến chùa để chữa trị. Bà còn giới thiệu cho người thân và bạn bè khi họ mắc các bệnh về xương khớp.

Thường những ngày cuối tuần, bệnh nhân ở các tỉnh, thành xa cũng tìm đến chùa. Ông Phạm Văn Công (tỉnh Hậu Giang) cho biết, cách đây một năm, có người cùng quê lên chùa Vạn Thọ điều trị bệnh đau nhức đốt sống lưng, bệnh thuyên giảm hẳn. Thấy vậy, nhiều người dân đã tranh thủ sắp xếp công việc trong ngày thứ bảy để góp tiền thuê xe lên chùa điều trị các bệnh về xương, khớp, nhức mỏi. “Do làm nông nghiệp, phải khuân vác những bao lúa nặng nên vai tôi thường xuyên bị đau, tối ngủ không được. Lên chùa được lần thứ ba rồi, vai tôi giờ vác đồ không cảm thấy đau nữa”, ông Công vui vẻ.

Theo Ban Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tăng ni, phật tử đã và đang đóng góp to lớn vào việc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, Sư thầy Thích Thanh Sơn (Chùa Vạn Thọ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 1) đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào năm 2014.

Giúp đời cũng là tu tập

Từ thập niên 60 của thế kỷ XX, những người bị thương liên quan đến xương khớp không có điều kiện vào bệnh viện chữa trị thường tìm đến y học cổ truyền. Chùa Vạn Thọ khi đó rất được nhân dân tin tưởng bởi hiệu quả điều trị đã được chính người bệnh công nhận. Khi ấy, Hòa thượng Thích Thanh Sơn nhận ra rằng, nhiệm vụ chữa bệnh của mình cần phải thường xuyên và chuyên sâu hơn. Đây cũng là lý do nhà chùa tập trung vào chuyên khoa trật đả đến tận bây giờ. Kết quả điều trị hiệu quả của phương pháp chữa xương khớp của các nhà sư tại chùa Vạn Thọ đã được Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh công nhận và cấp phép hoạt động phòng khám y học cổ truyền.

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Hòa thượng, Lương y Thích Thanh Sơn, Trụ trì chùa Vạn Thọ cho biết, trước đây, chùa điều trị đa khoa thông qua bốc thuốc, bấm huyệt, cạo gió, châm cứu... Từ năm 1980, chùa không châm cứu, cũng ngừng bốc thuốc, chuyển sang điều chế thuốc viên từ các thảo dược. Khoảng 20 năm trở lại đây, chùa chuyển hẳn sang chuyên khoa, đó là trật đả cốt khoa (lật cổ tay, lật khớp vai, lật khớp chân…).

Một trong những loại thảo dược mà các lương y của chùa sử dụng là nga truật, gồm lục nga truật, hoàng nga truật, bạch nga truật. Theo Hòa thượng, Lương y Thích Thanh Sơn, nga truật là loài thảo dược quý hiếm. Riêng hoàng nga truật, 20 năm trước, Hòa thượng Thích Thanh Sơn đã đi lùng khắp thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) để tìm. “Sau nhiều ngày đi khắp các nơi ở Châu Đốc không thấy, tôi về nghỉ tại một ngôi chùa ở địa phương thì phát hiện có đúng một bụi hoàng nga truật. Từ đó, tôi đem về nhân giống và nhờ người trồng ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai”, Hòa thượng, Lương y Thích Thanh Sơn chia sẻ.

Khi được hỏi, nguyên lý khoa học trong điều trị bệnh của chùa, Hòa thượng, Lương y Thích Thanh Sơn cho biết, ngành y học cổ truyền của Việt Nam rất phát triển, không thua kém các nước. Trong y học cổ truyền, những bài thuốc, cách điều trị được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trước năm 1975, một số nhà sư từ miền Trung đã giới thiệu các phương pháp về trật đả.

“Năm 1966, 1967, thầy của tôi có mở lớp điều trị về xương khớp. Lớp học có mời một số bác sĩ được đào tạo bài bản qua trường lớp giảng dạy. Thông qua lớp học này, cộng với kinh nghiệm sẵn có, tôi học được phương pháp sơ cấp cứu, băng bó. Kết hợp với các bài thuốc cổ truyền từ các loài thảo dược, tôi bắt đầu mày mò tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất”, Hòa thượng, Lương y Thích Thanh Sơn cho hay.

Nói về công việc thầm lặng giúp đời, giúp người của các sư thầy, Hòa thượng, Lương y Thích Thanh Sơn cho hay, ngoài tu tập, thời gian còn lại giúp cho nhân dân bằng hết sức lực của mình. “Khi ngồi thiền, đối diện với Đức Phật, tôi thường suy tư lại những việc mình đã làm. Chữa bệnh giúp bà con là “điểm tựa” để tôi thấy mình còn hiện diện trên cõi đời này”, Hòa thượng, Lương y Thích Thanh Sơn tâm sự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Bệnh viện” dưới bóng bồ đề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.