(HNMO) - Ngày 23-3, Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, sau gần 3 tuần triển khai Nghị quyết 30/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ, bệnh viện đã giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trước khi nghị quyết, nghị định trên được ban hành khoảng 2 tuần, đơn vị y tế tuyến cuối tại khu vực phía Nam này thậm chí không thể đặt stent cho bệnh nhân bị mạch vành mà chỉ ưu tiên đặt cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim phải cấp cứu.
“Khi có Nghị định số 7, một loạt vật tư tiêu hao trước đây đã được thông quan. Việc đặt stent cho bệnh nhân mạch vành tại bệnh viện đang dần trở lại bình thường. Còn Nghị định 30 đã cho phép thanh toán bảo hiểm y tế khi sử dụng máy đặt máy, máy mượn và thiết bị y tế bệnh viện được tặng cho nhưng chưa kịp làm thủ tục để nhập vào tài sản quốc gia, giúp tăng hiệu quả chẩn đoán bệnh, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh”, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức thông tin.
Từ quan điểm của người làm kế hoạch, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trước khi Nghị quyết 30 ra đời, việc đấu thầu vật tư y tế của bệnh viện vướng lại khoảng 57% số vật tư y tế trong gói thầu, do thiếu 3 bảng báo giá.
Lúc đó, chỉ có 1/6 máy CT có thể hoạt động, bệnh viện phải ưu tiên dùng cho bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân nội trú. Sau khi nghị quyết, nghị định được ban hành, hướng giải quyết vướng mắc đã có, bệnh viện tiến hành các gói sửa chữa, mua sắm linh kiện thay thế. Đến nay, đã có thêm 1 máy CT phục vụ cấp cứu được đưa vào hoạt động.
Nói về hiệu quả của các chính sách mới, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, vào giai đoạn khó khăn, Trung tâm chỉ còn một máy xạ trị chung cho nhiều bệnh nhân. Đến nay, đã có 3 máy xạ (trong tổng số 5 máy của trung tâm) đã hoạt động sau khi có hợp đồng bảo hành, sữa chữa, mua thiết bị thay thế.
Về lĩnh vực xét nghiệm, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thành Vinh, Trưởng khoa Sinh hóa Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, nghị quyết 30 đã tháo gỡ bước đầu rất nhiều những vướng mắc lâu nay, nhất là về khâu máy mượn, máy đặt, vốn là hình thức huy động thiết bị hợp lý trong giai đoạn này.
Cũng từ thực tiến triển khai chính sách mới, Bệnh viện Chợ Rẫy có một số đề xuất. Cụ thể, dù không còn phải lấy 3 báo giá khi xây dựng giá đấu thầu như trước đây. Nhưng nếu chỉ lấy 1 báo giá thì không biết báo giá đó có sát với giá trị thực sản phẩm hay không? Quản lý các bệnh viện khó có cơ sở kiểm chứng giá cả.
“Nếu khi hậu kiểm, giả sử cơ quan hậu kiểm thấy bệnh viện mua trang thiết bị đó với giá đó gấp 5-7, thậm chí 10 lần so giá nhập khẩu, chủ đầu tư cũng không thể trả lời được dù rất công khai, minh bạch trong mua sắm”, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức đặt vấn đề.
Ngoài ra, đa số các thiết bị y tế chưa niêm yết giá, trong khi quy định mua không được cao hơn giá niêm yết. Trong tình huống khẩn cấp, bệnh viện phải mua các thiết bị để thay thế nhưng khi mua xong mới có niêm yết giá. Nếu giá mua cao hơn giá niêm yết, người quyết mua có thể bị xác định vi phạm quy định.
Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức cũng bày tỏ: “Chúng tôi mong rằng hàng hóa phục vụ lĩnh vực y tế nên được phân loại là nhóm hàng hóa đặc biệt, tách ra khỏi hàng hóa thông thường vì nó liên quan đến sinh mạng người bệnh. Cùng với đó, nên có một chương đấu thầu riêng cho lĩnh vực y tế, trong đó quy định rõ ràng các tình huống khẩn cấp trong lĩnh vực y tế để các đơn vị thuận lợi trong việc mua sắm, phục vụ giải quyết các tình huống khẩn cấp”.
Cũng theo đề xuất của ông Nguyễn Tri Thức, trong thời gian chờ Luật Đấu thầu (sửa đổi) được ban hành, Quốc hội có thể xem xét ban hành Nghị quyết tạm thời cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế giải quyết những vấn đề về thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế; tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các bệnh viện thuận lợi trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và cũng tránh được tiêu cực trong mua sắm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.