Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh viện cần có CEO?

Đức Trung| 12/11/2011 06:25

(HNM) - Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện (BV) Phụ sản trung ương đã khép lại với chiến công của lực lượng công an nhưng cũng mở ra áp lực mới đối với các BV tuyến trung ương vốn đã quá tải vì nhiệm vụ khám, chữa bệnh. CEO, một giám đốc điều hành, hay rộng hơn là công tác quản trị có phải là


Sự quá tải của các bệnh viện tuyến trên là một trong những nguyên nhân gây mất an ninh trật tự.   Ảnh: Linh Tâm

Chuyện chưa từng xảy ra trong suốt 55 năm qua kể từ ngày thành lập BV Phụ sản trung ương là điều chưa ai ngờ tới. Ai đã từng có người thân đến BV sinh nở, không chỉ là BV Phụ sản trung ương, đều thấy "quy trình" giao nhận trẻ, cho xuất viện khá đơn giản. Điều mà BV cũng như gia đình trẻ lo lắng nhiều nhất chỉ là nhầm con. Nhưng vụ việc vừa xảy ra cho thấy, không đơn giản như vậy. Không chỉ là chuyện ăn trộm trẻ sơ sinh, ở khoa nhi các BV lớn hay BV nhi, thi thoảng cũng có trường hợp, người sinh thành bỏ lại núm ruột của mình vì bất lực trước bệnh tật của con hoặc hoàn cảnh gia đình mà BV đành bó tay không tìm lại được họ.

Tuy nhiên, có điều kiện theo dõi sự quá tải của các BV tuyến trên, đặc biệt là cơ sở y tế đầu ngành của cả nước, mới có thể hiểu được phần nào. Con số được báo cáo tại hội nghị "Sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm 2011, kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế năm 2012" cho thấy, mặc dù ngành y tế đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giảm tải cho các BV nhưng hiện tình trạng quá tải vẫn diễn ra, nhất là ở BV tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Công suất sử dụng giường bệnh tại một số BV và các khoa trọng điểm luôn cao hơn so với số giường bệnh thực tế. Đơn cử, tại BV Bạch Mai, công suất sử dụng giường bệnh ở Khoa Truyền nhiễm là 192%; Thận tiết niệu 191%; Thần kinh 181%. BV Chợ Rẫy: Khoa Ngoại tiêu hóa là 237%; Ngoại thần kinh 236%; Tim mạch can thiệp 231%. Bệnh viện K: Khoa Tia xạ tổng hợp 365%; Ngoại phụ 364%.

Theo kết quả điều tra của ngành y tế, đa số người bệnh (chiếm 56%) có xu hướng đến thẳng các BV tuyến cuối ngay lần đầu phát hiện ra bệnh mà không điều trị theo tuyến. Nguyên nhân khiến người bệnh dồn lên tuyến trên đã rất rõ nhưng thuốc chữa "căn bệnh" bệnh nhân vượt tuyến, BV quá tải chưa đủ mạnh nên cán bộ y tế ở các BV tuyến trung ương luôn phải làm việc quá sức, dẫn đến sự trao đổi giữa bác sĩ, y tá với người bệnh thiếu sự bình đẳng. Đó chính là một nguyên nhân quan trọng khiến hình ảnh người thầy thuốc xấu đi và là kẽ hở cho những hiện tượng tiêu cực nảy sinh. Người bệnh hiếm khi dám hỏi cặn kẽ, tường tận về bệnh tình, cách điều trị chứ chưa nói đến chuyện nêu ý kiến thắc mắc khi thấy những việc làm bất thường của người mặc áo choàng trắng, thậm chí việc nhìn vào biển tên đeo trước ngực y, bác sĩ cũng bị coi là thất thố. Đấy là một lý do quan trọng khiến người nhà sản phụ Trần Thị Thơm để Nguyễn Thị Lệ bế được bé Phạm Xuân Trường ra khỏi BV Phụ sản trung ương mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Giảm "tải" bằng quản trị tốt

Sau sự việc hy hữu vừa xảy ra ở BV Phụ sản trung ương, các đơn vị y tế mới giật mình lo cho công tác an ninh BV. "Mất bò" thì phải "lo làm chuồng" nhưng làm bằng "vật liệu" gì đây khi giải pháp có thể giải quyết tận gốc phải là giảm tải cho các BV tuyến trên vẫn đang vấp phải nhiều trở ngại. Sau khi bé Phạm Xuân Trường (nay đã mang tên mới là Phạm Xuân Hà) trở về với gia đình, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản trung ương Nguyễn Viết Tiến cho biết, BV sẽ lắp hệ thống camera để phòng chống những vụ việc tương tự. Nhưng trang thiết bị không phải là "vấn đề" của các BV hiện nay mà phải là con người và cách quản lý.

Yếu trong công tác quản lý là tình trạng chung của các cơ sở y tế. Nó có nguyên nhân rất khách quan, đó là lãnh đạo BV đều trưởng thành từ bác sĩ giỏi nhưng lại không được đào tạo về công tác quản lý nói chung, quản trị BV nói riêng. Ở các nước châu Âu, châu Mỹ, quản trị BV là một công việc đã được chuyên nghiệp hóa cao nhưng ở Việt Nam, còn rất mới. Lãnh đạo BV không am hiểu về quản trị BV, đội ngũ làm công tác này lại thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng. Hiện mới chỉ có ĐH Hùng Vương tổ chức đào tạo trình độ ĐH và ĐH Mở TP Hồ Chí Minh liên kết với một cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo thạc sĩ về quản trị BV. Bởi thế nên ở hơn 1.400 BV và trung tâm y tế trên cả nước, hiện y tá, dược sĩ hay bác sĩ những người lẽ ra chỉ lo công việc chuyên môn là chăm sóc bệnh nhân phải đảm nhiệm thêm cả việc sắp xếp giường bệnh quản lý danh sách bệnh nhân nội, ngoại trú, quản lý trang thiết bị y tế... Thầy thuốc làm việc "tay ngang", nên tính chuyên nghiệp không cao lại không có thời gian lo cho việc chính là chăm sóc bệnh nhân, thế là cái vòng luẩn quẩn quá tải - giảm chất lượng điều trị - thiếu hụt y đức - mất an ninh trật tự lại diễn ra.

Quản trị BV là vấn đề đã được các BV tư quan tâm đầu tư, vì họ hiểu hơn ai hết, chất lượng BV - lý do để tồn tại và phát triển của đơn vị - được tạo bởi đội ngũ quản trị giỏi. Tại những BV đã quản trị thành công, giám đốc phụ trách chuyên môn kỹ thuật và giám đốc phụ trách quản trị là tách bạch và có vị trí tương đương nhau. Có một CEO giỏi thì BV sẽ hoạt động chuyên nghiệp hơn, chất lượng dịch vụ sẽ nâng cao và có thể bắt đầu từ những gì đang có là kinh nghiệm thực tế của thế giới lẫn hệ thống BV tư ở nước ta. Nhưng kinh nghiệm ấy bao giờ được áp dụng vào BV công?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện cần có CEO?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.