Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh viêm gan: Không thể chủ quan

Hương Thủy| 14/11/2018 17:54

(HNMO)- Trong các loại viêm gan virus A, B, C, D, E, viêm gan B, C là hai loại viêm gan phổ biến nhất. Nếu bị viêm gan không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị xơ gan, thậm chí ung thư gan.


Tại buổi tư vấn trực tuyến về “Cách đúng điều trị viêm gan” do một cơ quan báo chí tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng-nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan như rượu, thuốc, viêm gan do gan tự miễn. Tuy nhiên, đáng báo động hơn cả là căn bệnh viêm gan do nhiễm virus. Với viêm gan virus B, Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ khá cao với tỉ lệ mắc trong dân số khoảng 8-15%. Tỷ lệ mắc viêm gan C thấp hơn, ở mức 0,5 - 3% tùy vào từng vùng miền.

Bệnh viêm gan nói chung và viêm gan B,C nói riêng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Đặc biệt, bệnh viêm gan virus C tiến triển rất nhanh.

TS.Dương Trọng Hiền, Phó trưởng Khoa cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho hay, ở nước ta, trước đây do hạn chế về việc kiểm tra sớm, thiếu những sàng lọc, sử dụng vắc-xin một cách có hệ thống nên bệnh nhân bị viêm gan nặng. Trong quá trình làm việc, ông gặp không ít trường hợp bị viêm gan B hoặc C đến viện khám trong tình trạng nặng như xuất huyết tiêu hóa do tăng áp lực tĩnh mạch cửa dẫn tới xơ gan; xuất hiện các khối u trong gan, phải can thiệp; thậm chí còn có trường hợp vỡ các khối u, gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng và phải cấp cứu.

Viêm gan B,C là hai loại viêm gan phổ biến nhất (ảnh minh họa, nguôn: Internet)


Về dấu hiệu của bệnh, theo TS Dương Trọng Hiền, gan với vai trò liên quan tới ngoại tiết, tức tiết dịch mật để tiêu hóa thức ăn, khi tiết ra dịch mật với số lượng, chất lượng kém sẽ dẫn tới người bệnh chán ăn, gầy sút, mệt mỏi. Triệu chứng đó không cơ năng đặc hiệu báo nhưng là dấu hiệu cho biết phải đi kiểm tra. Bên cạnh đó, trong gia đình có thành viên mắc viêm gan thì cũng cần đi khám sàng lọc.

Khi bị mắc viêm gan không phải trường hợp nào cũng sử dụng thuốc ngay mà phải đúng thời điểm vào đúng giai đoạn với liều lượng tuân thủ theo bác sĩ. Khi có chỉ định điều trị phải can thiệp, bệnh nhân bị viêm gan C có cơ hội được điều trị khỏi thành công rất cao. Tuy nhiên, với bệnh viên gan B, việc điều trị là khá khó khăn. Nếu người bệnh có chỉ định điều trị thì người cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sỹ.

Cũng liên quan đến điều trị, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng chia sẻ, viêm gan virus C hiện nay có khá nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả, khỏi bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, sau khi điều trị, vẫn có tỉ lệ bệnh có thể tái phát trở lại. “Cho nên việc điều trị viêm gan virus C chỉ khi tỉ lệ virus không nhân lên trở lại sau 6 tháng thì lúc đó mới coi là khỏi bệnh”, chuyên gia này nói.

Còn đối với viêm gan virus B, việc kiểm soát là tương đối khó. Khi kiểm soát được tình trạng virus rồi thì nguy cơ biến chứng tiến triển bệnh thành xơ gan, ung thư gan sẽ giảm đi rất nhiều. Còn nếu không, nguy cơ xơ gan, ung thư gan từ viêm gan virus B là rất cao.

Với những người trên 40 tuổi sống trong gia đình có người mắc bệnh xơ gan, ung thư gan thì chỉ định sàng lọc bệnh virus viêm gan B sẽ được nới lỏng và chỉ định điều trị sẽ sớm hơn nhiều, không đòi hỏi là 6 tháng mới có chỉ định điều trị. “Còn đối tượng đặc biệt hơn nữa, là những người có bệnh lý tự miễn như viêm cầu thận, xơ cứng bì, xuất huyết giảm tiểu cầu cần phải dùng thuốc ức chế miễn dịch thì có biểu hiện bệnh là phải dùng thuốc kháng virus ngay. Khi dùng thuốc ức chế chống miễn dịch, cơ hội virus dù đang ngủ yên cũng thức dậy, hoạt động và nhân lên rất nhanh nên rất khó kiểm soát. Vì vậy, những trường hợp buộc phải dùng thuốc ức chế chống miễn dịch thì việc dùng thuốc kháng virus được chỉ định sớm hơn rất nhiều”, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng nói.

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh gan là khám bác sĩ chuyên khoa gan định kỳ. Tuy nhiên, có những người đi khám, nghe bác sĩ chẩn đoán bị viêm gan virus B nhưng virus đang ở trạng thái tĩnh thì không quay trở lại theo dõi nữa.

“Điều này rất nguy hiểm bởi virus viêm gan B có thể từ trạng thái ngủ sang trang thái hoạt động và tiến triển rất nhanh. Nếu như không tầm soát và kiểm tra thường xuyên với chu kỳ khám 6 tháng đến 1 năm thì rất có thể bỏ sót giai đoạn virus phát triển. Lúc đó người bệnh có thể đã bị xơ gan”, chuyên gia Nguyễn Thị Vân Hồng lưu ý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viêm gan: Không thể chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.