(HNM) - Bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) đang bùng phát tại TP Hồ Chí Minh. Tại thời điểm này, số ca mắc đã tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014.
Gia tăng mạnh
Tính đến hết ngày 19-9, toàn TP Hồ Chí Minh có 9.357 ca SXH nhập viện, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng từ ngày 11 đến 17-9, toàn thành phố đã có 592 trường hợp SXH nhập viện. Hầu hết các ca bệnh tập trung trong những ổ dịch vừa và nhỏ, xuất hiện ở 82 phường, xã ở các quận, huyện như Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Quận 12 nên việc dập dịch hết sức khó khăn. Ngoài SXH, thời điểm này TP Hồ Chí Minh có 274 ca nhập viện vì mắc bệnh TCM, tăng 46% so với số ca bệnh trung bình của tháng trước. Tính ra, mỗi ngày có hơn 30 trường hợp trẻ mắc TCM, toàn thành phố có 5.091 trường hợp TCM nhập viện.
Môi trường ô nhiễm dễ gây bùng phát bệnh truyền nhiễm tại TP Hồ Chí Minh. |
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: "Mặc dù SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng phát hiện sớm thì bệnh không nguy hiểm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay các ca bệnh nặng chuyển về điều trị tại TP Hồ Chí Minh ngày càng nhiều, trong đó nhiều trường hợp phát hiện trễ dẫn đến nguy cơ tử vong cao".
Hiện tại, các tỉnh, thành phố phía Nam có 14 trường hợp tử vong vì SXH, riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh có 2 người chết. Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Biện pháp chống dịch SXH đưa ra trước mắt là hạn chế, không để số ca tử vong tăng. Sở Y tế đã chỉ định 3 bệnh viện chuyên trách điều trị SXH, trong đó Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 điều trị SXH cho trẻ em, Bệnh viện Nhiệt đới sẽ điều trị cho người lớn. Sở cũng chỉ đạo xuống cơ sở y tế quận, huyện, nếu không điều trị được cho bệnh nhân SXH nặng thì sẽ điều bác sĩ từ 3 bệnh viện trên xuống địa bàn hỗ trợ".
Tuyên truyền "chưa tới"?
Qua kiểm tra công tác phòng bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại Quận 8, địa bàn có ca bệnh SXH và TCM nằm ở tốp cao của thành phố, bác sĩ Bạch Thị Chính (Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Các hộ dân có thói quen sử dụng nhiều lu chứa nước và vứt rác thải xung quanh là môi trường cho loăng quăng phát triển. Ngoài ra, qua khảo sát 6 hộ dân, thì chỉ 2 hộ biết thông tin về dịch SXH, còn lại 4 hộ thì hầu như kiến thức phòng chống SXH, bệnh truyền nhiễm không đạt". Đoàn kiểm tra phát hiện chỉ số vật dụng chứa loăng quăng (CI) tại địa bàn Quận 8 rất cao. Trong đó chỉ số CI lấy tại các Phường 1, 4, 5, 15, 16 có nơi cho kết quả 60-67, gấp 2 lần mức cho phép theo quy định của Bộ Y tế. Mặc dù, từ đầu năm đến nay Quận 8 đã thực hiện tổng cộng 33 lần phun hóa chất diệt muỗi và diệt loăng quăng nhưng do môi trường ô nhiễm trầm trọng, nên việc phòng chống dịch SXH trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Trần Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND Phường 4, Quận 8, địa bàn Phường 4 là khu vực có nhiều dự án quy hoạch xây dựng và nếu triển khai thì 11 tổ dân phố sẽ bị xóa sổ. Do đang trong thời gian chờ dự án xây dựng triển khai, người dân hiện đang sống cảnh tạm bợ, mọi đầu tư về môi trường không được quan tâm. Kênh Xáng, kênh Bà Bô bị tù đọng đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được đầu tư tiến hành nạo vét, gây ra tình trạng ô nhiễm tạo môi trường cho muỗi sinh sôi, phát triển. Ngoài ra, do dân số biến động liên tục, việc vận động, tuyên truyền người dân tham gia phòng chống bệnh truyền nhiễm gặp phải khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Biên - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 cho biết: "Một số cán bộ trung tâm đã xuống các điểm có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn quận để cấp, phát thuốc diệt loăng quăng, sát khuẩn Javen ngăn ngừa bệnh TCM nhưng các hộ dân không sử dụng, vì cho rằng... thuốc có mùi hôi". Hiện tại, Quận 8 có 310 ca SXH và 371 ca TCM. Trong đó, SXH tăng lên 4,4%, bệnh TCM có giảm 21%, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng báo động của thành phố.
Mùa mưa ở các tỉnh phía Nam mới chỉ bắt đầu, dự báo nguy cơ nhiễm SXH, TCM trong cộng đồng sẽ còn tăng mạnh nếu cách thức phòng chống dịch vẫn còn nhiều kẽ hở như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.