(HNM) - "Thung lũng hoa" ở Hồ Tây sau ba ngày mở cửa miễn phí phải vội vàng đóng cửa (dù dự định ban đầu là mở một tuần) bởi đã tan nát vì những người đến "thưởng hoa". Ruộng hoa hướng dương ở Nghệ An quá đẹp bị hai thanh niên bẻ hái vô tội vạ. Và dư luận cũng đang bàn tán một cô gái tên đẹp đi tham gia một cuộc thi nào đó ở Philippines có phát ngôn chả đẹp với tên tí… Mỗi câu chuyện đều có nguồn cơn.
Những chuyện thiếu văn hóa, thiếu ý thức của không ít người khi ứng xử với thiên nhiên, ứng xử với con người không phải bây giờ mới có. Cách đây gần chục năm, lần đầu tiên lễ hội hoa anh đào Nhật Bản được tổ chức ở Hà Nội cũng đã xảy ra tình trạng tranh cướp và bẻ những cành hoa khiến những người Nhật Bản và những người Việt Nam có lòng tự trọng trông thấy bị tổn thương. Chưa nói để mang được những cây anh đào còn nguyên hoa sang Việt Nam là cả một kỳ công.
Cũng không phải bây giờ trong showbiz mới có những phát ngôn gây sốc, nói một cách chính xác là phát ngôn không tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Nếu phát ngôn vô tình còn có thể thông cảm nhưng cố tình để nổi tiếng thì không thể chấp nhận. Đáng nói hơn, những hành vi thiếu văn hóa, thiếu ý thức đã trở thành bệnh và căn bệnh đang lan truyền trong xã hội.
Căn nguyên của bệnh thiếu văn hóa, thiếu ý thức trong ứng xử với thiên nhiên, với con người bắt đầu từ những hạn chế trong giáo dục; giáo dục ở nhà trường với những tiết học về đạo đức công dân chưa đủ để học trò nhận thức những hành vi thiếu văn hóa. Giáo dục gia đình cũng là vấn đề bởi ở nhiều gia đình, người lớn còn phải lo cơm áo gạo tiền, còn kênh giáo dục xã hội thì… có lẽ không phải bàn thêm.
Căn bệnh thiếu văn hóa không phải tất cả là do thiếu học, thiếu tri thức mà do vô ý thức. Nhiều năm gần đây, người ta tôn sùng cái tôi, coi cái tôi là cái làm nên sự khác biệt giữa người này và người khác, làm nên thành công. Có thể là như vậy nhưng cái tôi quá lớn đã dẫn đến ích kỷ coi thường "cái chúng ta" trong khi cái tôi phải hài hòa với "cái chúng ta" thì cái tôi đó mới đáng được trân trọng.
Ở một góc độ khác, bệnh thiếu văn hóa, thiếu ý thức thuộc phạm trù đạo đức không vi phạm pháp luật nếu không bị lên án, không bị tẩy chay sẽ càng có cơ hội phát triển. Căn bệnh này không chỉ gây hại cho một nhóm người mà còn tác động xấu đến xã hội. Tại sao rau để nhà mình ăn hay cho họ hàng không bơm thuốc trừ sâu còn bán cho người khác thì… vẫn mang bán? Có thể dẫn ra rất nhiều câu chuyện như vậy.
Văn hóa ứng xử xuống cấp tức là đạo đức xã hội xuống cấp, phong tục tập quán không còn được coi trọng. Khi bệnh thiếu văn hóa, thiếu ý thức lan rộng có nghĩa tính nhân văn của con người sẽ giảm đi và như thế gây ra hậu quả khó lường đối với xã hội.
Một người có tri thức chưa hẳn đã là có văn hóa. Một quốc gia không có lối sống văn minh, thiếu văn hóa ứng xử sẽ không nhận được sự tôn trọng của các quốc gia khác. Bởi vậy, để chữa cái bệnh thiếu văn hóa, thiếu ý thức, ngoài việc học, rèn luyện thì mỗi cá nhân cần phải biết xấu hổ, biết xấu hổ mới sửa chữa được lỗi lầm. Văn hóa là năng lượng tinh thần, thiếu văn hóa tức là thiếu sức mạnh cho sự phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.