Căn bệnh này có tên là beriberi, xuất hiện khi cơ thể thiếu vitamin B1 nghiêm trọng. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị teo cơ gây liệt 2 chân, thậm chí tử vong vì suy tim.
Để phòng bệnh tê phù không nên ăn gạo quá cũ, gạo xay xát quá kỹ. Ảnh: T.L |
Triệu chứng của bệnh tê phù lúc đầu âm thầm, không rõ nên ít người chú ý. Thường người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, chân đi chóng mỏi và có cảm giác nặng ở bắp chân. Về chiều tối, chân hơi bị phù ở vùng mắt cá và tê, có cảm giác râm ran như kiến bò ở bắp chân, hay bị chuột rút, thỉnh thoảng thấy tim đập hồi hộp. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ nặng dần.
Bệnh tê phù được chia thành 3 mức độ:
Ở mức nhẹ, bệnh nhân mới bị mất hoặc giảm cảm giác, giảm phản xạ, chủ yếu ở chi dưới. Lúc này nếu được điều trị, bệnh sẽ khỏi nhanh.
Ở mức trung bình, bệnh nhân mất cảm giác, mất phản xạ gân xương, có hiện tượng nhược cơ, đi lại khó khăn nhưng chưa bị teo cơ hoặc teo cơ chưa rõ.
Ở mức độ nặng, người bệnh bị phù toàn bộ hai chi dưới, mất phản xạ gân xương, mất cảm giác, bị teo cơ không đi lại được, có thể tử vong do suy tim, nhất là với trẻ em. Bệnh có thể xảy ra lẻ tẻ một vài người nhưng cũng có thể thành vụ dịch lớn. Bệnh có thể qua khỏi nhanh khi được bổ sung vitamin B1 ngay với liều cao, nhưng cũng có thể tử vong mà không cứu chữa kịp thời.
Đối tượng dễ mắc bệnh là những người lao động nặng trong môi trường nóng ra mồ hôi nhiều mất vitamin B1; Phụ nữ trong thời kỳ thai nghén, nuôi con bú hoặc sau khi sinh ăn kiêng nhiều; những người hay mắc các bệnh đường ruột, sốt kéo dài...
Nguyên nhân gây bệnh do ăn gạo xay xát quá kỹ (2-3 lần), ăn gạo từ thóc bị úng nước lâu ngày đã mất hết vitamin hoặc ăn gạo để lâu bị mốc, lượng vitamin còn rất thấp, sử dụng các loại rau chứa ít vitamin B1 hoặc ít ăn rau xanh...
Để điều trị bệnh tê phù, người bệnh cần được bổ sung vitamin B1, liều lượng và cách dùng phải theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, người bệnh nên nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế đi lại. Tăng cường ăn các chất giàu đạm, bổ sung các vitamin từ hoa quả, rau xanh...
Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh tê phù không nên ăn gạo quá cũ, gạo xay xát quá trắng. Cần ăn thêm những thực phẩm có nhiều vitamin B1 hằng ngày như đậu tương, đậu xanh, đậu đen, đậu trắng, lạc, vừng, thịt (bò, lợn), bầu dục, gan (bò, lợn), lòng đỏ trứng, rau tươi như (giền cơm, diếp, xà lách, giá đậu xanh, đậu cô ve, đậu đũa, đậu Hà Lan...). Bởi nếu chỉ ăn cơm là chủ yếu, ít dùng các thực phẩm khác thì cũng dễ bị tê phù, vì lượng gạo chúng ta ăn hằng ngày chỉ cung cấp được khoảng 50% nhu cầu vitamin B1 của cơ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.