(HNM) - Chiều 16-8, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Hà Nội đã ghi nhận 92 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), không có tử vong.
Sở vừa tiếp tục có công văn yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, cách ly và xử lý ổ dịch, không để lây lan; các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, kể cả cơ sở y tế tư nhân tăng cường khám sàng lọc phát hiện sớm và thông tin kịp thời những ca bệnh cho Trung tâm y tế dự phòng và Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để kịp thời xử lý dịch tại cộng đồng; các trường học đẩy mạnh hoạt động vệ sinh môi trường, tuyên truyền, giáo dục trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày thì cho cả lớp nghỉ học 10 ngày kể từ khởi bệnh của ca cuối cùng, chỉ cho trẻ đến lớp khi hết loét miệng và phỏng nước. Trong tuần tới, 4 đoàn thanh tra liên ngành y tế và giáo dục của thành phố sẽ đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh TCM tại các cơ sở y tế, trường học trên địa bàn.
Điều trị cho bệnh nhi tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh minh họa: Internet |
Tại khu vực phía Nam đã ghi nhận 25.723 ca mắc TCM, trong đó 74 ca tử vong. TP Hồ Chí Minh là địa phương có số mắc cao nhất trong khu vực: 7.052 ca, với 22 ca tử vong; tiếp đến là Đồng Nai (3.413 ca mắc và 16 ca tử vong); Đồng Tháp (2.015 ca mắc và 1 ca tử vong). Các trường hợp tử vong chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi (96%).
Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh TCM sẽ còn diễn biến phức tạp, dịch có thể lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố vì hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, đây là lứa tuổi đang đi nhà trẻ, mẫu giáo nên số ca mắc có thể gia tăng trong tháng tới khi năm học mới khai giảng. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng, chống dịch hiện cũng chưa hiệu quả. Do đó, để chủ động phòng, chống bệnh TCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa yêu cầu các địa phương tập trung tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát kiểm tra, xử lý ổ dịch TCM; đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng, chống TCM, khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM tại hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo; chủ động giám sát phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch TCM, đồng thời lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh TCM (nhất là trường hợp nặng, có biến chứng) xác định sự lưu hành của týp vi rút gây bệnh và theo dõi sự đột biến của vi rút, nhằm khống chế dịch bệnh, hạn chế tử vong ở mức thấp nhất. Với hơn 32.000 ca mắc, 81 trường hợp tử vong trên cả nước từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Bộ Y tế đã đề cập đến việc công bố dịch TCM. Việc công bố dịch sẽ giúp cả công tác dự phòng và điều trị thuận tiện hơn, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế chưa đưa ra quyết định công bố vì theo quy định công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ khi các địa phương không kiểm soát được dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.