(HNMO) - Ngày 14-3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận nam bệnh nhân 57 tuổi làm nghề thợ xây mắc uốn ván. Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 2 trường hợp mắc uốn ván, trong đó có 1 người tử vong.
Theo đó, bệnh nhân nam 57 tuổi, làm nghề thợ xây, có địa chỉ ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Khoảng 6 tháng trước, bệnh nhân được phẫu thuật xương gót chân trái. Hiện, vết mổ của nam bệnh nhân còn đóng vảy, sưng nề nhiều do đi lại.
Cách đây 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng cứng hàm, nói khó. Sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm uốn ván giai đoạn toàn phát.
Trước đó, vào tháng 2-2023, một cụ bà (83 tuổi, ở thôn Hạ Hòa, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã tử vong với chẩn đoán bị uốn ván sau hơn 2 tuần bị ngã khi đi dự lễ hội làng.
Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra.
Thông thường, trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ… Một số trường hợp phẫu thuật hay nạo phá thai trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh cũng có khả năng bị nhiễm bệnh. Trẻ em sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh, gọi là uốn ván sơ sinh.
Các triệu chứng của bệnh uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau. Trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân mình như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Việc co cơ mạnh, đột ngột, kéo dài gây đau cơ, có thể rách cả cơ và gãy xương. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát.
Thời gian ủ bệnh thường trong khoảng 3-10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương, gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy thận…
Gánh nặng bệnh tật do uốn ván gây nên vẫn đang hiện hữu từng ngày. Nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như gà mổ, gai đâm… và hầu hết người bệnh đều không nghĩ mình sẽ mắc uốn ván nên chủ quan trong điều trị, không đi tiêm phòng kịp thời và phải nhập viện khi tình trạng bệnh đã tiến triển nặng.
Để tránh bị uốn ván, theo khuyến cáo của các bác sĩ, sau khi bị vết thương nên đến các cơ sở y tế để tiêm phòng uốn ván kịp thời. Các thủ thuật, phẫu thuật phải được tiến hành ở các cơ sở đủ điều kiện vô trùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.