Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh nhân chạy thận thêm một chỗ dựa

Bảo Bân| 10/01/2011 08:10

(HNM) - Theo thống kê mới đây của Bệnh viện Bạch Mai, mới chỉ có 10% bệnh nhân trong số hơn 80.000 người bị suy thận giai đoạn cuối ở nước ta được lọc máu. 90% bệnh nhân còn lại phải chờ chết vì không đủ khả năng chi trả cho việc chữa trị.

90% bệnh nhân còn lại phải chờ chết vì không đủ khả năng chi trả cho việc chữa trị. Con số này lý giải vì sao, cho đến bây giờ, dù đã trải qua nhiều cương vị nhưng TS-BS Nguyễn Tất Thắng, Trưởng khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện (BV) Hòe Nhai vẫn ôm hoài bão ấp ủ từ hồi trai trẻ: Làm sao để những người bị bệnh thận giảm bớt gánh nặng điều trị.

TS Nguyễn Tất Thắng- Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Hòe Nhai thăm khám cho người bệnh.


Từ ước mơ của người bác sĩ

Kể về các trung tâm chạy thận nhân tạo của Nhật Bản từ những năm 1990, để có một phép so sánh với kỹ thuật chạy thận ở nước ta ngày ấy, TS-BS Nguyễn Tất Thắng cho biết: "Các bác sĩ Nhật luôn tính toán rất hiệu quả nhằm tạo những thuận lợi tối đa cho người bệnh bằng cách bố trí những trung tâm chạy thận nhân tạo ngay gần nhà ga, bến xe và khu đông dân cư… để người bệnh tiện đi lại. Bệnh nhân sau khi chạy thận có thể trở về ngay với cuộc sống thường ngày. Còn ở nước ta, ngay về kỹ thuật cũng vẫn còn rất lạc hậu".

Ông không khi nào quên quãng thời gian được cử về BV Thanh Nhàn để làm quen với kỹ thuật chạy thận nhân tạo trước khi sang Nhật Bản học tập: "Cả bệnh viện lúc đó có duy nhất một máy chạy thận nhân tạo cũ được viện trợ. Không có hệ thống xử lý và cung cấp nước tinh khiết cho máy hoạt động, các bác sỹ, y tá phải xuống bể nước múc từng xô đem về xử lý theo phương pháp thủ công để đủ nước cho máy chạy. Nếu như hiện nay, một ca chạy thận chỉ vài tiếng đồng hồ và hầu như không xảy ra biến chứng thì ngày đó, một ca lọc máu phải mất gần một ngày. Người bệnh vừa phải chịu đau đớn vì thiếu thiết bị, vừa mất thời gian, trong khi hiệu quả điều trị kém và kèm theo nhiều biến chứng".

Nay thì máy móc thiết bị đã tốt hơn trước nhiều, nhưng số bệnh nhân không có điều kiện kinh tế để chạy thận vẫn là con số nhức nhối. Theo PGS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Nguyên Khôi, nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai, khoảng 10% dân số nước ta bị bệnh thận. Mỗi năm trung bình có thêm 8.000 bệnh nhân suy thận mới với khoảng 80.000 người đã chuyển sang giai đoạn cuối và 90% số này không có điều kiện để được lọc máu. Với 10% bệnh nhân còn lại, tuy có cơ hội tiếp cận với phương tiện hiện đại nhưng gánh nặng tài chính luôn đè nặng trên vai. Đến những xóm chạy thận mọc quanh các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Chợ Rẫy thấy những thân phận cùng cực, dù đi chữa bệnh, họ vẫn phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề... có thể thấy nỗi khốn khổ của những người không may bị suy thận. Có lẽ, những thầy thuốc như TS Nguyễn Tất Thắng là người thấu hiểu hơn ai hết nỗi khổ của bệnh nhân nên luôn tìm cách để san sẻ bớt gánh nặng này.

Đến hiện thực xã hội hóa hôm nay

TS Thắng tâm sự: "Ai cũng hiểu bệnh nhân thận là những người nghèo. Họ nghèo vì đa số đều trong độ tuổi lao động. Về thời gian, họ mất khá nhiều vì phải đi chữa bệnh. Về sức khỏe, họ ngày càng suy kiệt nên không thể làm ra của cải… Làm giảm nỗi đau về bệnh tật là một phần, chia sẻ với họ về vấn đề tài chính mới là trăn trở lớn hiện nay. Do đó, các trung tâm chạy thận được trang bị hiện đại, đồng bộ ra đời nhờ XHH là chỗ dựa vô cùng lớn với mỗi bệnh nhân". Theo TS Trần Tử Bình, Giám đốc BV Đa khoa Hòe Nhai: "Một ca chạy thận đã được XHH, sau khi cộng tất cả chi phí thì người bệnh chỉ phải trả khoảng 400.000 đồng. Những chi phí về máy móc, thuốc, vật tư tiêu hao và dịch vụ đã được BHYT thanh toán nên giảm được phần nào gánh nặng cho người bệnh".

Nhờ hiệu quả mô hình XHH y tế như ở Trung tâm Thận nhân tạo BV Đa khoa Hòe Nhai, nhiều cảnh đời đã thay đổi. Anh Bùi Ngữ Văn (ở Cổ Bi, Gia Lâm) cho biết: "Một tuần tôi mất ba buổi chạy thận nhân tạo. Với nghề nghiệp không ổn định và hoàn cảnh gia đình như hiện tại thì nhờ BHYT chi trả phần lớn tôi mới có thể yên tâm chữa trị". Hoàn cảnh như của anh Văn ở BV Hòe Nhai khá nhiều, như cụ Nguyễn Văn Phú (79 tuổi, ở Bắc Ninh), anh Dương Xuân Hùng (lái xe ôm ở Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội)...

Không chỉ là nơi mang lại cơ hội điều trị cho bệnh nhân nghèo mà Trung tâm Thận nhân tạo tại BV Hòe Nhai còn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cao của nhiều bệnh nhân nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ông Woo Gyou Kim (59 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) cho biết rất yên tâm khi được điều trị tại đây. Bệnh nhân này sau thời gian chạy thận nhân tạo tại bệnh viện vẫn có thể đi làm bình thường tại Bắc Ninh, cách nơi điều trị khoảng 30km.

Giờ đây, mong ước của TS Nguyễn Tất Thắng đã dần thành hiện thực. Ông khẳng định, bằng hiệu quả thiết thực từ mô hình XHH, gánh nặng điều trị cho bệnh nhân suy thận mãn ở nước ta sẽ giảm dần và không đáng lo ngại, nhất là khi toàn xã hội đang chung tay, cùng nhau xoa dịu nỗi đau cho người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh nhân chạy thận thêm một chỗ dựa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.