(HNMO) – Đó là: Thực hiện vệ sinh cá nhân; tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; không cầm, nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó.
Bệnh do virus Ebola là một bệnh bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm. Virus Ebola lây sang người thông qua tiếp xúc với máu, chất tiết, bộ phận cơ thể hoặc dịch thể khác của người, động vật bị nhiễm bệnh.
Rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp phòng Ebola |
Triệu chứng khi nhiễm virus Ebola gồm: sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng hoặc có thể có nôn, tiêu chảy, phát ban, chảy máu. Những người có khả năng mắc cao là những người có tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người hoặc động vật bị bệnh. Hiện nay bệnh chưa có vắc xin dự phòng.
Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới, dịch bệnh do virus Ebola tiếp tục gia tăng cả về số mắc và số tử vong tại 3 quốc gia Tây Phi. Đến 17/10, Senegal đã qua 42 ngày và Nigeria đã qua 39 ngày không có trường hợp mắc mới. Mỹ xác định 3 trường hợp Ebola và Tây Ban Nha xác định Eboal 1 trường hợp. Tích lũy từ tháng 12/2013 đến ngày 17/10/2014, thế giới đã ghi nhận 9.284 trường hợp mắc, trong đó 4.604 trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, 431 trường hợp là cán bộ y tế mắc bệnh, trong đó có 247 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, chưa có trường hợp nào mắc dịch bệnh này nhưng Việt Nam vẫn đang tăng cường phòng chống. Hôm qua, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ghi nhận công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh Ebola của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và yêu cầu tất cả các cơ sở y tế cần nâng cao mức độ cảnh giác và mức độ đáp ứng cao hơn nữa đối với dịch bệnh Ebola; thành lập 4 đội phản ứng nhanh ở cấp quốc gia, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các quận, huyện sẽ thành lập một đội phản ứng nhanh trên cơ sở kiện toàn lại đội phòng, chống dịch bệnh đã có tại địa phương để tăng cường khả năng ứng phó...
Để phòng bệnh Ebola, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
Thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…).
Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh.
Không cầm, nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó.
Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.