(HNM) - Giờ đây hễ có việc gì (con hư trong nhà, ùn tắc đường phố, ô nhiễm làng nghề…) thay vì tự tìm ra giải pháp, dân ta lại kêu ca, mong chờ
30 năm trước, khi khánh thành trường tiểu học, đó là niềm tự hào của cả một vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Nó to đẹp như tấm lòng và khát mong của toàn dân trong xã khi tình nguyện cùng nhau xây dựng ngôi trường mang lại ánh sáng tri thức cho con em. Giờ đây những bức tường đá ong vẫn trụ vững, còn mái ngói, cửa lớp, bàn ghế… đều đã hư hại. Bình thường vẫn có thể dùng tạm, nhưng nắng nóng, mưa bão thì trường thực sự trở thành một cái bẫy nguy hiểm.
- Nhà trường, chính quyền xã đã báo cáo lên trên từ mấy năm trước nhưng chưa có ngân sách… Vâng, thực ra ngói và bàn ghế, cửa… một số vẫn có thể dùng hoặc thay nên kinh phí cũng không lớn lắm và dân cũng sẵn sàng đóng góp. Nhưng chúng tôi không dám huy động vì chưa có cơ chế…
Chưa có ngân sách, chưa có cơ chế… Đó cũng là lý do giải thích nguyên nhân mấy thế hệ học sinh một trường dân tộc nội trú một tỉnh miền núi phía bắc suốt hơn 10 năm phải sống trong dãy "lều tạm" trong khi chờ khu nhà ở được xây theo kế hoạch. Dãy "lều tạm" ấy trông không khác chuồng gà, mỗi "lều - chuồng" cho 4-6 học sinh, cao chưa được 2m, rộng chưa được chục mét, vách và mái được làm bằng bất kể vật liệu nào có được, bốn bề lúc nào cũng toang hoác, mưa nắng học sinh phải chạy trú nhờ khu nhà ở của giáo viên. Hơn 10 năm trời mới tìm được nhà hảo tâm giúp xây một dãy nhà ở bằng gạch và ngói. Và vẫn chưa biết bao năm nữa mới có ngân sách, cơ chế, nhà hảo tâm… để mấy lều tạm còn lại không bị trở thành hiện vật bảo tàng.
Có thật là không có ngân sách nên học sinh dân tộc nội trú phải đợi nhà hảo tâm giúp mới được ở trong nhà sau cả chục năm trời chui rúc trong lều tạm? Có thật là vì không có cơ chế nên dân muốn đóng góp để xây dựng trường lớp đàng hoàng cho con em cũng không được? Chúng tôi giở thống kê và nhận thấy, nếu một năm mỗi huyện trong tỉnh đó bớt đi vài cuộc họp; mỗi tháng tỉnh bớt đi một cuộc họp, và sử dụng kinh phí họp "tiết kiệm" được vào việc xây nhà nội trú thì bất quá vài năm tất cả các cháu đều có chỗ ở tốt. Vậy rõ là lỗi không phải do thiếu ngân sách. Trong khi đó, cả nước đang có phong trào xây dựng nông thôn mới. Mặc dù Nhà nước quy định cấm lạm thu, cấm thu ngoài quy định… nhưng nhiều địa phương vẫn dựa vào lệ làng để lách luật. Có nơi đặt ra tới hai mươi khoản thu và thu mỗi nhân khẩu (không tính già trẻ, trai gái) trên dưới 200 nghìn đồng. Xin nói ngày xưa lệ làng chỉ thu theo suất đinh, nghĩa là chỉ tính đàn ông đã trưởng thành, trong độ tuổi lao động, còn đàn bà, con trẻ, người già không tính. Vậy việc người dân muốn đóng góp tiền xây dựng trường lớp đàng hoàng cho con em cũng không được, cũng không phải do thiếu cơ chế.
Tại sao lại như vậy? Chắc tại nếu năng nổ, chủ động, sáng tạo thì có thể có lợi cho cộng đồng nếu kết quả tốt, nhưng sẽ ra sao, ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố? Nên tốt nhất là chờ chỉ đạo, mong các cấp, các ngành vào cuộc, xin cấp trên tạo điều kiện…
Kêu ca mãi sẽ trở thành thói quen, rồi thành dịch bệnh ỷ lại, thành lối sống dựa dẫm mang tính di truyền. Cha ông ta bao đời nay, đâu có mầm bệnh ấy. Nó từ đâu tới, chắc không phải ai cũng biết, cũng hiểu nhưng ai cũng cảm nhận được sự hiện diện, được tác hại của nó trong đời sống hằng ngày. Vấn đề là liệu có loại trừ được nó?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.