Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh của công chức

Cù Xuân Trường| 15/04/2013 05:48

(HNM) - Bệnh "chạy" chức, "chạy" quyền, nạn tham nhũng, hiện tượng "bôi trơn" đã có từ rất lâu. Thứ bệnh này có ở tất cả quốc gia trên thế giới bởi nó gắn với hình thái nhà nước. Đâu có quyền lực, có sự ngự trị của quyền lực thì ở đó có nạn chuyên quyền, lạm quyền, tham nhũng và có bệnh "chạy" chức, "chạy" quyền…

Lịch sử nhân loại, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, chuyện mua quan, bán tước; chuyện các đấng "phụ mẫu" vơ vét tiền dân… thời nào cũng có, vấn đề chỉ ở mức độ khác nhau mà thôi. Vấn nạn này không chỉ làm băng hoại những giá trị đạo đức của dân tộc, cản trở sự phát triển kinh tế, mà nguy hiểm hơn nó làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, gây nên những bức xúc trong lòng xã hội.

Ở nước ta, "căn bệnh" của công chức - những "công bộc của nhân dân" đang ngày càng diễn biến phức tạp. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhấn mạnh: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...". Nếu không có giải pháp chữa trị kịp thời, đây thật sự là mối tồn nguy đối với chế độ. Trị bệnh của công chức trước hết phải nắm rõ gốc và những biểu hiện của bệnh.

"Chạy" có thể xem là bệnh nan y của giới công chức và đang bùng phát ở mức độ nguy hiểm. Người ta có thể thống kê rất nhiều biểu hiện khác nhau của căn bệnh này như: "chạy" chức, "chạy" quyền, "chạy" bằng cấp, học vị, học hàm, danh hiệu, "chạy" dự án, kinh phí, "chạy" chỗ làm, "chạy" án, "chạy" tội… Gần đây, xuất hiện thêm chuyện đau lòng… "chạy nghèo" để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nếu ngày xưa người ta "chạy" chui, "chạy" lủi, "chạy" dưới sự lên án của cả xã hội thì ngày nay, dường như còn có cả sự "ra giá" và đáng buồn hơn với nhiều người, cái sự "chạy" đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Thậm chí đã xuất hiện "văn hóa chạy" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức hiện nay.

"Chạy" chức, "chạy" quyền từ lâu đã là vấn nạn nhức nhối và đã nhiều lần làm "nóng" nghị trường Quốc hội. Nó cũng là căn bệnh khó chữa nhất và nguy hiểm nhất. Có người còn cho rằng, mang tiền đi mua chức cũng khó như việc hái sao trên trời bởi việc đề bạt cán bộ như "rót dầu qua một chồng lỗ đồng xu", chỉ cần một đồng xu bị lệch, bất kể ở cấp nào, ở vị trí nào, đều có thể gây ách tắc cho dòng dầu đang chảy. Thế nhưng, bám vào đặc điểm sống duy tình, cả nể, thói cố kết mang tính cộng đồng thân tộc, làng xã của người Việt, căn bệnh "chạy" chức, "chạy" quyền vẫn có đất phát tác và thực tế trong lòng xã hội hiện nay có không ít người làm giàu nhờ "biệt tài" mua chức, bán quan. Ở một khía cạnh khác có thể gọi là "buôn nước bọt, lãi quan viên".

Người ta vẫn nói "lương công chức ba cọc, ba đồng", nhưng vì sao vẫn có nhiều người "chạy" vào công chức? Khi đã trở thành "công bộc của nhân dân" vì sao nhiều công chức vẫn "chạy" tiếp để có vị trí cao hơn, quyền lực lớn hơn? Câu trả lời là quyền lực đi kèm lợi nhuận. Cũng chính vì phải bỏ tiền "đi đêm" để có quyền lực nên khi đã có vị trí nhất định - có quyền lực, những người này không thể không toan tính, vơ vét để "hoàn vốn". Chưa kể đến chuyện "một người làm quan, cả họ được nhờ" như dân gian vẫn nói. Đáng lưu ý, nạn "chạy" chức, "chạy" quyền là một trong nhiều nguyên nhân hình thành những "nhóm lợi ích" trong xã hội. Những "nhóm lợi ích" là sự kết hợp của quyền lực và tiền bạc đã gây ra không ít hệ lụy để cuối cùng Nhà nước và nhân dân phải gồng mình gánh chịu… Nhiều món nợ xấu, nhiều dự án biến thành đất hoang là những minh chứng cho điều này.

Một bệnh nguy hiểm khác của công chức là tham nhũng, nói chính xác hơn là tham nhũng "vặt". Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp các cơ quan liên quan công bố mới đây cho thấy hiện tượng tham nhũng "vặt" có ở hầu hết bộ, ngành, địa phương. Nhân viên thuế vòi tiền doanh nghiệp, nhân viên y tế vòi tiền bệnh nhân, quan xã vòi tiền người dân, cảnh sát giao thông vòi tiền người vi phạm luật, thầy cô giáo vòi tiền phụ huynh học sinh… Tệ tham nhũng "vặt" cùng với quan điểm "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" đã sinh ra "văn hóa phong bì", tệ nạn "bôi trơn"… Người dân muốn sớm có "sổ đỏ", muốn chuyển trường cho con phải có "phong bì", doanh nghiệp muốn đẩy nhanh việc thực hiện dự án phải "bôi trơn"… Tùy theo mức độ của công việc mà định lượng "phí bôi trơn", hay độ nặng nhẹ của "phong bì".

Tham nhũng "vặt" và "văn hóa phong bì" len lỏi vào mọi ngõ ngách, tác động trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân. Nó như một đàn sâu đang gặm nhấm, hủy hoại đạo đức xã hội, tha hóa đội ngũ "công bộc của nhân dân". Nguy hiểm hơn, tệ nạn này đang bào mòn niềm tin của người dân đối với các cơ quan công quyền. Và đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng coi thường, phản kháng, bất hợp tác với người thi hành công vụ. Có thể nói, tham nhũng "vặt" gây tác hại về kinh tế không lớn như những vụ tham nhũng "có tổ chức", nhưng xét trên nhiều góc độ có ảnh hưởng xã hội lớn hơn rất nhiều và đây thật sự là một căn bệnh nguy hiểm.

Nạn "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", cũng là một thứ bệnh nan y… Cho đến bây giờ vẫn chưa ai thống kê được tỷ lệ chính xác bao nhiêu người làm việc thực sự có hiệu quả, bao nhiêu người "có cũng như không" trong đội ngũ hùng hậu lên đến 2,8 triệu công chức hiện nay. Có người lạc quan đánh giá tỷ lệ công chức làm việc thực sự khoảng 70%, người bi quan hơn cho rằng chỉ 50%. Căn bệnh này khởi phát từ nhiều nguyên nhân. Bộ máy cồng kềnh, công việc ít, biên chế nhiều. Nhiều người được nhận vào làm việc do quen biết với lãnh đạo, được cấp trên gửi gắm, không xuất phát từ nhu cầu thực tế của công việc. Nhiều công chức được đào tạo, có nhiều bằng cấp nhưng không có năng lực để giải quyết nhiệm vụ thực tế nên "trên" không bảo thì "dưới" không làm. Với không ít "công bộc của nhân dân" làm nhiều, làm có trách nhiệm cũng không khác bao nhiêu so với người làm ít, đùn đẩy trách nhiệm vì cuối năm thường vẫn là 100% "hoàn thành nhiệm vụ", giấy khen, danh hiệu "đến hẹn lại có". Có một thực tế nữa là lương quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội nên công chức phải tận dụng thời gian để "chân trong, chân ngoài". Cũng có không ít công chức tìm mọi cách len vào bộ máy công quyền để lấy mối quan hệ, tìm kiếm cơ hội làm ăn. "Cha chung không ai khóc", "Lắm sãi không ai gác cửa chùa", việc bỏ bê công vụ cũng là "chuyện thường ngày ở huyện".

Bệnh "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" không nguy hiểm như "chạy" chức, "chạy" quyền, tham nhũng, sách nhiễu nhưng lại là cái phanh kìm hãm sự phát triển. Những người trình độ có hạn, lười nhác, bấu víu, nói nhiều hơn làm đã tạo ra một sức ỳ lớn trong bộ máy, cản trở những công chức có tài năng, có lý tưởng phấn đấu, cống hiến cho sự phát triển chung. Bệnh này cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng "lãng phí chất xám", "chảy máu chất xám" - một vấn đề "nóng" của xã hội trong xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển tất yếu của nền kinh tế tri thức hiện nay.

Với việc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nạn "chạy" chức, "chạy" quyền, tham nhũng, sách nhiễu… đã bị đẩy lùi ở nơi này, nơi kia, nhưng vẫn là vấn đề "nóng" của xã hội. Để siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm công vụ của đội ngũ công chức, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Quan trọng nhất là chúng ta phải bắt đầu từ những cơ chế, biện pháp chung để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất, hay nói cách khác là những người muốn "chạy" không thể "chạy" được. Đó mới là biện pháp cơ bản, còn đương nhiên ai vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm minh, nếu phát hiện ra, nếu có sai phạm thì không loại trừ xử lý bất kỳ trường hợp nào. Những căn bệnh của công chức như đã nêu trên đã được nhận diện, đã được "điều trị" từng bước nhưng nếu không có quyết tâm và giải pháp "đặc biệt" để xử lý từ "gốc" bệnh, đồng thời có những biện pháp phát huy dân chủ để công chức thể hiện đúng năng lực, trình độ thì nhịp độ và chất lượng phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng nặng nề - phát triển càng nhanh, càng rộng, ảnh hưởng càng nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bệnh của công chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.