(HNMO) - Kể từ ngày mai (27/7), bến xe khách Lương Yên, do Chi nhánh Hà Nội-Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên, quản lý và khai thác chính thức ngừng hoạt động. Vì vậy, các 38 tuyến vận tải đi 19 tỉnh, thành phố được điều chuyển sang 3 bến xe khác là Gia Lâm, Nước Ngầm và Yên Nghĩa.
(HNMO) - Kể từ ngày mai (27/7), bến xe khách Lương Yên, do Chi nhánh Hà Nội-Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên, quản lý và khai thác chính thức ngừng hoạt động. Vì vậy, các 38 tuyến vận tải đi 19 tỉnh, thành phố được điều chuyển sang 3 bến xe khác là Gia Lâm, Nước Ngầm và Yên Nghĩa.
Các tuyến xe hoạt động tại bến xe Lương Yên chuyển về 3 bến xe khác
Tại buổi giao ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội diễn ra chiều 26/7, ông Đào Việt Long-Trưởng phòng Quản lý vận tải-Sở Giao thông Vận Tải Hà Nội cho biết, trước khi đóng bến, bến xe Lương Yên có 38 tuyến vận tải đi 19 tỉnh, thành phố gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, TP HCM, với 52 đơn vị vận tải và khoảng 319 phương tiện.
Sau khi ngừng hoạt động khai thác bến xe khách Lương Yên, các đơn vị kinh doanh vận tải và các tuyến vận tải từ bến xe này được chuyển về 3 bến xe khác là: Gia Lâm, Yên Nghĩa, Nước Ngầm.
Tại bến Gia Lâm, các xe của 13 đơn vị kinh doanh vận tải chuyển từ bến xe Lương Yên về đây sẽ đi các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình với 133 nốt (chuyến/ngày).
Ở bến Nước Ngầm, 34 đơn vị kinh doanh vận tải từ bến xe Lương Yên chuyển sang hoạt động tại đây, xe đi các tỉnh: Bắc Giang, Nam Định, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hải Dương, Lạng Sơn, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thái Bình, Thanh Hóa, TP HCM, Hải Phòng, Thái Nguyên, với 162 nốt (chuyến/ngày).
Với bến xe Yên Nghĩa, số đơn vị kinh doanh vận tải từ bến xe Lương Yên chuyển sang khai thác là 8 đơn vị, với 51 nốt (chuyến/ngày), xe đi các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai.
Tính đến 12h ngày 26/7, 36/52 đơn vị đã làm thủ tục và đăng ký hợp đồng dịch vụ với bến xe, trong đó có 6 đơn vị đã hoạt động kinh doanh vận tải từ ngày 24/7.
Cụ thể, bến xe Gia Lâm đã ký hợp đồng dịch vụ bến với 13/13 đơn vị với tần suất hoạt động 133/133 chuyến/ngày (chiếm 100% số chuyến của các đơn vị kinh doanh vận tải điều chuyển về), có 3 đơn vị đã hoạt động; bến xe Yên Nghĩa đã ký hợp đồng dịch vụ bến với 7/8 đơn vị với tần suất hoạt động 49/51 chuyến/ngày (chiếm 96% số chuyển của các đơn vị kinh doanh vận tải điều chuyển về), đơn vị còn lại đang làm thủ tục ký hợp đồng; bến xe Nước Ngầm đã ký hợp đồng dịch vụ bến với 16/34 đơn vị với tần suất hoạt động 99/162 chuyến/ngày (chiếm 61% số chuyển của các đơn vị kinh doanh vận tải điều chuyển về), 1 đơn vị đã chuẩn bị địa điểm bán vé.
Các bến xe này đều đã chuẩn bị mặt bằng, tổ chức giao thông khi tiếp nhận các phương tiện điều chuyển; lập kế hoạch tổ chức giao thông trong và ngoài bến xe bảo đảm an toàn giao thông; đồng thời thông báo đến các đơn vị kinh doanh vận tải và phổ biến biểu đồ chạy xe, nội quy khai thác tuyến.
Hà Nội sẽ có thêm 5 bến xe
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề nghị bến xe Gia Lâm, Yên Nghĩa, Nước Ngầm tiếp tục đôn đốc các đơn vị vận tải được điều chuyển khẩn trương hoàn thành ký hợp đồng dịch vụ với bến; bố trí, tiếp nhận các đơn vị vận tải được điều chuyển đến một cách hợp lý, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi phù hợp; thực hiện xây dựng việc tổ chức giao thông bên trong và cửa ngõ của bến; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị rà soát các tuyến xe bus, đề xuất phương án kết nối với các bến phục vụ thuận lợi nhu cầu đi lại của nhân dân.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trả lời các câu hỏi của phóng viên |
Trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến việc giữ gìn an ninh trật tự tại bến xe Lương Yên sau khi bến xe này ngừng hoạt động? Việc điều chuyển các xe về 3 bến xe trên có hợp lý? Vì sao 18 đơn vị vận tải chưa ký hợp đồng dịch vụ với bến xe Nước Ngầm?...ông Vũ Văn Viện-Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc dừng hoạt động bến xe Lương Yên có cơ sở pháp lý và hiện doanh nghiệp khai thác bến xe này không có thắc mắc gì. Theo quy hoạch, các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm sẽ được mở rộng, không còn tồn tại bến xe Lương Yên, tức bến xe này không nằm trong quy hoạch. Về tổ chức di chuyển và dừng hoạt động bên xe Lương Yên, các hợp đồng với doanh nghiệp khai thác bến xe đến 2016 đều hết hiệu lực nên các doanh nghiệp không có ý kiến liên quan đến chấm dứt hợp đồng.
Việc điều chuyển các xe từ bến xe Lương Yên về các bến xe trên bảo đảm các tiêu chí và nguyên tắc, trong đó bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát không được tăng tần suất chuyến (trừ những lúc cao điểm) nên không thể bố trí các đơn vị kinh doanh vận tải từ bến xe Lương Yên về hai bến xe trên. Vì vậy, trên cơ sở quy hoạch và khả năng của các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Gia Lâm, 52 doanh nghiệp hoạt động tại bến xe Lương Yên tự đăng ký, doanh nghiệp đăng ký chuyển về hoạt động tại bến nào trong 3 bến trên, cơ quan chức năng sắp xếp về bến đó.
Về việc 18 doanh nghiệp chưa ký hợp đồng với bến xe Nước Ngầm, hiện 18 doanh nghiệp này đã có hồ sơ, chỉ 1-2 doanh nghiệp đang xin điều chỉnh lộ trình cho phù hợp, trong đó có doanh nghiệp xin hoạt động trên đường Phạm Văn Đồng nhưng không được vì lưu lượng trên tuyến đường này đang cao.
Để đảm bảo an ninh trật tự nhằm tránh xe dù hoạt động tại bến xe Lương Yên sau khi đóng bến này, Sở Giao thông Vận tải giao thanh tra Sở phối hợp với các ngành chức năng bảo đảm khu vực tại bến xe Lương Yên.
Người đứng đầu ngành giao thông Hà Nội cũng chia sẻ, trong giai đoạn ban đầu đóng bến xe Lương Yên sẽ có khó khăn, xáo trộn đối với nhà xe, đặc biệt là những người dân hay đi các tỉnh từ bên xe này, nhưng vì quy hoạch chung của thành phố việc đóng bến xe Lương Yên là cần thiết.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiết lộ, về trung hạn, từ nay đến năm 2020, Hà Nội nghiên cứu đầu tư thêm 5 bến xe là: Vân Trì, Yên Sở, Xuân Phương, Cổ Bi và Sơn Tây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.