(HNM) - Ngành dân số Thủ đô đang tăng tốc hướng tới Ngày Dân số thế giới (11-7), mang theo những thông điệp về vấn đề dân số (DS) - KHHGĐ thông qua các đợt tuyên truyền, lễ diễu hành, mít tinh ở khắp các quận, huyện.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng quận Hoàn Kiếm trao đổi, tư vấn về công tác DS-KHH gia đình cho người dân. Ảnh: Huyền Linh |
Từ chuyện sinh đẻ ở vùng kinh tế mới nổi...
Trên đường đến thăm mô hình làm kinh tế giỏi của chị Hoàng Thị Tâm (thôn Đông, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ), hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhất là chính sách KHHGĐ về mô hình gia đình 2 con, chị Hoàng Thị Chính, cán bộ chuyên trách DS xã cho biết, ba năm gần đây, xã Phụng Thượng liên tục đạt mục tiêu giảm sinh con thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, đối tượng của công tác DS-KHHGĐ đang phải chuyển dịch từ gia đình sinh con một bề là con gái, nhà nghèo sang cả những gia đình kinh tế phát triển, đã đủ "nếp, tẻ". Lý do khiến những gia đình này "thêm thắt" là để "dự phòng rủi ro".
Đây cũng chính là nỗi trăn trở lớn nhất hiện nay của các huyện ngoại thành Hà Nội. Theo bác sỹ Dương Văn Tân, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phúc Thọ, điều làm nên sự thành công giảm tỷ suất sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai và nhận thức của chính quyền, nhân dân được nâng cao ở huyện nhà là phương pháp quản lý và sự lựa chọn đối tượng tuyên truyền DS-KHHGĐ không chỉ đơn thuần là chị em phụ nữ. Tuy nhiên, trước xu hướng gia tăng những trường hợp "sinh thêm", "đẻ cố" ở một số gia đình có kinh tế khá giả, đòi hỏi cán bộ làm công tác DS phải tìm ra phương pháp tuyên truyền mới, phù hợp.
Trước đây, khi vận động người dân thực hiện mô hình gia đình 2 con thì nhấn mạnh đến mục tiêu giảm nghèo đói. Nay người dân ở những vùng kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nơi người dân được nhận tiền đền bù do mất đất nông nghiệp thì "bài thuốc" cũ trở nên vô hiệu. Bỗng chốc cả làng, cả xã thành tỷ phú, mỗi nhà có vài ba đến cả chục tỷ đồng, cộng với tâm lý thích đông con thường trực trong tâm tưởng và tình trạng gia tăng những rủi ro như tai nạn giao thông, bệnh tật… khiến cho việc "đẻ dự phòng" đang có xu hướng phát triển.
Theo BS Dương Văn Tân, công tác tuyên truyền lúc này là phải làm cho người dân nâng cao nhận thức, giúp họ hiểu rằng, con nhiều hay ít không quan trọng bằng làm thế nào để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, được nuôi dạy tốt cả thể chất lẫn trí tuệ. Việc thực hiện các mô hình can thiệp về nâng cao chất lượng DS ở các địa phương đang ưu tiên giảm tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên cũng sẽ giúp các địa phương thu được kết quả cao hơn trong công tác này.
...đến ứng phó với những thách thức
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, KT-XH phát triển mạnh, tỷ lệ tăng DS cơ học 2%/năm, mật độ dân số phân bố không đều ở 29 quận, huyện, chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Mật độ dân cư cao trong khi cơ sở hạ tầng thấp kém, không đồng bộ gây sức ép lên mọi mặt của đời sống xã hội như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông đô thị, thiếu lao động - việc làm. Thời kỳ cơ cấu DS "vàng" dần qua đi và chỉ số già hóa DS của Hà Nội đang ở mức cao nhất cả nước. Tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức chênh lệch cao 117/100 (trẻ nam/ trẻ nữ). Tỷ lệ nạo hút thai 6 tháng đầu năm 2010 là 15% (số ca nạo hút thai/tổng số trẻ sinh ra). Đây mới là con số thống kê trong các cơ sở y tế nhà nước, chưa phản ánh hết thực trạng nạo phá thai, nhất là với đối tượng vị thành niên, bởi hiện chưa thống kê, kiểm soát được các cơ sở y tế tư nhân. Tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh sản còn cao (43,6% số người đến khám) tập trung ở đối tượng di cư tự do và khu vực phía tây thành phố. Đặc biệt, chất lượng DS còn hạn chế với các chỉ số phát triển con người, các tố chất về tầm vóc, thể lực, nhất là chiều cao, cân nặng và sức bền...
Trước những thách thức đó, ngành dân số Thủ đô đang từng bước triển khai các mô hình can thiệp nhằm nâng cao chất lượng DS ở từng đối tượng. Ông Nguyễn Đình Lân, Chi cục phó Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, hiện nay các mô hình nâng cao chất lượng DS Thủ đô đang bước sang năm thứ 2, như 6 mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, 10 mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, 7 mô hình chăm sóc sức khỏe phụ nữ quanh tuổi mãn kinh, 7 mô hình can thiệp truyền thông đến vùng dân cư đặc thù. Riêng đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã triển khai năm thứ 3, sau khi làm điểm ở 10 quận, huyện, đến nay đã mở rộng toàn thành phố.
Năm 2010 là năm rất quan trọng, năm cuối thực hiện mục tiêu giai đoạn 2000-2010. Những thông tin do ngành DS cung cấp sẽ là dữ liệu quan trọng cho đại hội Đảng các cấp, giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng chiến lược phát triển Thủ đô. Ý thức được điều đó, ngành dân số Hà Nội đã, đang và sẽ lặng lẽ phấn đấu miệt mài, bền bỉ, góp phần vào sự phát triển KT-XH của Thủ đô nghìn tuổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.