Đã giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhưng những người tâm huyết với võ thuật cổ truyền Việt Nam vẫn miệt mài thực hiện các phần việc cần làm để hiện thực hóa ước muốn đưa các bài võ cổ đến với cộng đồng.
Vất vả, tốn thời gian, công sức nhưng tất cả đều không cảm thấy phiền lòng bởi họ coi đó là trách nhiệm của mình trong việc chung tay bảo tồn, lan tỏa các bài võ, thế võ cổ đang đối mặt với nguy cơ thất truyền.
Không để trôi vào quên lãng
Cuối năm 2024 vừa rồi, lớp tập huấn triển khai bài quyền thuật của đồng bào dân tộc Tày, Nùng đã diễn ra ở Trường Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng. Sự kiện này do Cục Thể dục Thể thao (TDTT), Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng tổ chức. Lớp học có sự xuất hiện của võ sư Nông Trang, đến từ Lâm Đồng, để phổ biến bài võ Long quyền của người Tày tưởng đã thất truyền, thực sự là điểm nhấn đáng chú ý.
Không nhiều người biết rằng đó là chuyến trở về quê hương của lão võ sư này. Bố võ sư Nông Trang là người Cao Bằng. Sinh ra, lớn lên ở Lâm Đồng, đối với võ sư Nông Trang, hình ảnh sâu đậm về Cao Bằng đọng lại qua những câu chuyện của bố, và đặc biệt là bài võ Long quyền của người Tày mà bố truyền dạy. Sau này, kể cả khi đã mở võ đường Nông Trang thì ông cũng chỉ dạy các bài võ, thế võ cổ truyền khác, không liên quan đến bài Long quyền. Bài võ này chỉ được ông truyền dạy cho con trai mình.
Dịp tháng 10-2024, một nhà nghiên cứu võ thuật trong lần tiếp xúc với võ sư Nông Trang đã được biết về bài võ cổ Long quyền. Nhà nghiên cứu đó đã báo với Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, cũng là Trưởng phòng TDTT cho mọi người (Cục TDTT) Nguyễn Ngọc Anh. Lập tức, ông Ngọc Anh chỉ đạo liên hệ với võ sư Nông Trang để xin phép đưa bài võ cổ ra cộng đồng nhằm tránh bị thất truyền. Sau đó, người của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam đến tận nhà võ sư Nông Trang đặt vấn đề và được võ sư đồng ý. Và đó chính là cơ sở để có cuộc tập huấn triển khai bài quyền thuật của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tại Cao Bằng vào tháng 12 vừa qua. Theo võ sư Nông Trang, ban đầu ông chỉ muốn truyền bài võ Long quyền cho người trong gia đình thôi, nhưng rồi đã được thuyết phục rằng bài võ đó cần được bảo tồn, cách tốt nhất là đưa vốn cổ trở lại mảnh đất Cao Bằng.
Câu chuyện về bài Long quyền của gia đình võ sư Nông Trang chỉ là một trong rất nhiều ví dụ có thể đưa ra nhằm cảnh báo về nguy cơ thất truyền của các bài võ cổ. Theo Chánh Văn phòng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam Trần Việt, hiện có rất nhiều bài võ cổ truyền “ở ẩn” cần được đưa ra đời sống cộng đồng - cách bảo tồn tốt nhất. Nhiều võ sư hiện dạy võ theo lối “cha truyền con nối” hoặc chỉ dạy võ cổ cho số ít học trò. Cách truyền dạy trong phạm vi hẹp, kiểu “cha truyền con nối” có thể bị gián đoạn vì lý do nào đó, dẫn đến bài võ bị thất truyền. Cũng có trường hợp người được truyền dạy không chuyên tâm với bài võ vì mải lo “cơm, áo, gạo, tiền”, dần quên mất mình là người duy nhất nắm giữ tinh túy của một bài võ quý giá...
Đồng thời đảm trách vai trò Phó Tổng thư ký Hội Võ thuật Hà Nội, lại nghiên cứu nhiều về võ cổ truyền tại Thủ đô, Chánh Văn phòng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam Trần Việt cho rằng, ở Hà Nội, nhiều môn phái còn giữ được các bài võ bản môn. Tuy thế, nguy cơ các bài này bị mai một luôn thường trực dù Hội Võ thuật Hà Nội rất cố gắng bảo tồn. Trong các kỳ hội diễn gần đây của Hội Võ thuật Hà Nội, Ban tổ chức luôn đưa các bài bản môn (các bài tự chọn) vào nội dung thi đấu nhằm tiếp động lực cho các môn phái duy trì bài võ “tủ” của mình. Trong thực tế, Hội Võ thuật Hà Nội từng phổ biến thành công bài “Mai hoa ngũ lộ” - bài võ mà các võ sư ở Hà Nội thường nói là nếu học võ ta thì nhất thiết phải biết. Hội Võ thuật Hà Nội đã đưa “Mai hoa ngũ lộ” vào hệ thống thi đấu thường xuyên và nhờ đó, ngày càng có nhiều người tập bài này.
Thực tế cho thấy có nhiều bài võ cổ thuộc diện thất truyền, cần khẩn trương phục dựng. Hiện tại, Hội Võ thuật Hà Nội đang khôi phục các bài về gươm trường, xưa kia vốn là vũ khí chiến đấu phù hợp với người Việt. Việc không đơn giản, bởi nhiều bài võ nguyên bản về gươm gần như bị “vụn ra”, bởi mỗi người được trao truyền chỉ nhớ được một chút.
Tương tự là bài “Song hổ vĩ côn”, hiện chỉ có một vài người tại Hà Nội còn giữ được, trong đó có con trai của cố võ sư Trần Công (môn phái Sơn Đông Không Động). Rồi là bài “Song ngư” - sử dụng 2 binh khí hình con cá đeo vào tay để đánh, rất “dị” - hiện chỉ có vài môn phái tập luyện, trong đó có Thiếu Lâm Hồng gia, Đông Đô Việt võ quyền... hay như bài “Song nguyệt” cũng không còn nhiều người tập.
Lan tỏa rộng rãi là cách bảo tồn tốt nhất
Hiện tại, Cục TDTT đang phối hợp với Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam triển khai Đề án khôi phục các bài võ cổ. Tại Hà Nội, Hội Võ thuật Hà Nội cũng miệt mài làm sống lại, lan tỏa các bài võ cổ. Ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định... cũng đã và đang có chuyển động tích cực tương tự.
Đó là một tín hiệu tốt. Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Trưởng phòng TDTT cho mọi người (Cục TDTT) Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ rằng, việc võ sư Nông Trang quyết định chia sẻ rộng rãi bài Long quyền tới người tập ở Cao Bằng thực sự là điều đáng trân trọng. “Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục lên phương án lan tỏa các bài võ cổ khác tới cộng đồng trong tương lai. Tất nhiên, đây là câu chuyện của nhiều người, nhiều bên” - ông Nguyễn Ngọc Anh nói.
Ý tưởng đã hình thành, tâm huyết đã rõ, vấn đề là tìm ra cách lan tỏa vốn quý một cách bền vững. Theo Chánh Văn phòng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam Trần Việt, việc số hóa các bài võ chỉ mang tính chất lưu giữ là chủ yếu. Vấn đề vẫn là đưa bài võ đến cộng đồng, càng có nhiều người tập càng tốt. Chỉ như thế mới khôi phục được sức sống của võ cổ truyền.
Tất nhiên, việc cần làm đó có mang lại thành công như kỳ vọng hay không còn phụ thuộc vào quan niệm của những người đang nắm giữ các bài võ cổ có nguy cơ thất truyền. Theo ông Trần Việt, việc xin phép môn phái để đưa bài “tủ” của họ ra dạy cho nhiều người không hề đơn giản, nhất là khi quan niệm chỉ phổ biến bài võ cho người trong môn phái hoặc người thân trong gia đình đã ăn sâu trong làng võ cổ truyền.
Đó là chưa kể, việc phục dựng đòi hỏi sự công phu. Người làm nghề vừa phải mò mẫm tìm thầy giỏi - thường ẩn tích - để học hỏi, vừa phải nghiên cứu, so sánh để tìm ra sự hợp lý từ những điều được võ sư kể lại.
Những ngày giáp Tết Ất Tỵ, câu chuyện ở Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam và Hội Võ thuật Hà Nội vẫn ăm ắp dự định khôi phục, lưu trữ và đưa các bài võ cổ tới cộng đồng. Nói như người trong cuộc, đó cũng là cái nghiệp, là trách nhiệm gìn giữ, phát huy tinh hoa võ thuật mà người xưa để lại, không bỏ được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.