(HNM) - Theo tờ The Sun, David Beckham đang thương thảo với CLB Queens Park' Rangers (QPR) để trở lại chơi bóng tại Anh từ mùa bóng tới. QPR không phải là đội hàng đầu tại Anh nhưng vào lúc này Beckham khó đòi hỏi được chơi cho một CLB lớn.
Ở tuổi 36, danh thủ này đã ở đoạn cuối sự nghiệp. QPR của hai ông trùm Tony Fernandes (đua xe thể thức 1) và Lakshmi Mittal (công nghiệp thép) rất muốn chiêu mộ một cầu thủ tên tuổi để đánh bóng thương hiệu đội bóng. Beckham phù hợp với một đội về nhiều phương diện.
David Beckham trong màu áo CLB Los Angeles Galaxy. |
Khả năng Beckham rời Los Angeles Galaxy và bóng đá Mỹ trở về nước chơi bóng rất cao. Có thể nói "điệp vụ Mỹ" của Beckham đã thất bại về mặt chuyên môn, tuy về tài chính vẫn thành công.
Mùa hè năm 2007, cả thế giới bóng đá không thể tưởng tượng đến con số choáng ngợp của bản hợp đồng thế kỷ khi Beckham ký hợp đồng 5 năm thi đấu cho Los Angeles Galaxy với thu nhập hằng năm dao động từ 50 - 55 triệu USD/năm. "Nhà thể thao trị giá 275 triệu USD" là cái tít của trang web đài BBC về sự kiện chấn động này. Cũng theo BBC, thu nhập của Beckham tại Los Angeles Galaxy sẽ gấp 6 lần mức lương hằng năm của anh ở Real Madrid và gấp 4 lần mức lương của Michael Ballack, người lĩnh lương cao nhất trong bóng đá vào thời điểm đó (12,5 triệu USD/năm).
Mọi việc chưa dừng ở đó. Beckham và Los Angeles Galaxy không chỉ gây sốc cho giới bóng đá. Các nhà phân tích tài chính trong thể thao đi đến kết luận "kinh hoàng" khác. Lâu nay, thể thao Mỹ luôn tự hào rằng mình có khả năng chi trả những bản hợp đồng lớn nhất trong giới thể thao. Nhưng tất cả đều chào thua "hợp đồng thế kỷ" của Beckham. Trung bình, mỗi tuần danh thủ này sẽ kiếm được 1 triệu USD! Trong lịch sử thể thao thế giới, chưa có VĐV nào (ở môn thể thao đồng đội) kiếm được nhiều tiền như thế.
Trở lại với môn bóng đá. Thu nhập của Beckham cao hơn 5 lần tổng thu nhập của toàn bộ các cầu thủ Los Angeles Galaxy cộng lại! Từ tháng 6-2007, Beckham là cầu thủ tự do nên trên nguyên tắc Los Angeles Galaxy không mất tiền chuyển nhượng. Tuy nhiên, vẫn có thể xem đây là vụ chuyển nhượng lớn nhất trong lịch sử bóng đá nếu xét trên khía cạnh tài chính.
Beckham được chờ đợi sẽ đem lại cú hích không chỉ cho Los Angeles Galaxy mà còn cho bóng đá Mỹ nói chung. Tuy nhiên, vào năm cuối cùng của hợp đồng với Los Angeles Galaxy (mùa giải 2011-2012) thì dường như bóng đá Mỹ không còn cần "thương hiệu Beckham" nữa. Hiệu ứng thương mại từ sự xuất hiện của Beckham trong bóng đá Mỹ quá ít, còn hiệu ứng chuyên môn thì gần như là con số không! Los Angeles Galaxy không giành nổi chiếc cúp nào. Chất lượng MLS trước và sau khi có Beckham vẫn vậy.
Ra đi vào cuối mùa bóng này hoặc nhanh hơn là vào tháng 1 tới gần như là giải pháp tốt nhất cho cả hai bên (Beckham và Los Angeles Galaxy). Đó cũng là mong muốn của QPR.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.