(HNM) - Để đánh giá một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, người ta chỉ cần nhìn vào mức độ cơ giới hóa (CGH) sản xuất nông nghiệp được ứng dụng trong các khâu sản xuất như thế nào. CGH không chỉ là thước đo thể hiện năng lực hiện đại hóa sản xuất mà còn góp phần tăng sức cạnh tranh của nền nông nghiệp.
Kinh nghiệm từ các nước có nền nông nghiệp phát triển cho thấy, CGH phải vừa mang tính tuần tự (trước tiên thay thế lao động thủ công) vừa có tính “đón đầu”, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch. Điều đó cũng có nghĩa, một nền nông nghiệp khó có thể phát triển khi CGH chỉ gói gọn trong phạm vi “ao làng” với những sáng tạo của nông dân.
Không thể phủ nhận những năm qua, CGH nông nghiệp đã góp phần giải quyết nhiều khâu lao động nặng nhọc, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm tổn thất sau thu hoạch… trong sản xuất của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, về tổng thể, việc áp dụng CGH vào sản xuất còn nhiều hạn chế và thiếu bước đi đột phá.
Trên bình diện quốc gia, CGH vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa trong thời kỳ hội nhập. Rõ nhất là việc Việt Nam luôn trong tốp đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, điều, hạt tiêu... nhưng gần như tuyệt đối đó là "hàng thô", mang lại lợi nhuận ở mức khiêm nhường. Điều này bắt nguồn từ hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ về cơ khí nông nghiệp còn bất cập, chậm chuyển giao vào sản xuất; kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng CGH nông nghiệp. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về giám định chất lượng các sản phẩm CGH như máy động lực, máy nông nghiệp… còn lúng túng, hạn chế.
Bản thân Ngành Nông nghiệp cũng chưa đề xuất được những định hướng, chủ trương, chính sách mang tính chiến lược để đẩy mạnh ứng dụng CGH trong các quy trình sản xuất nông nghiệp. Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, rủi ro cao. Trong khi đó, người dân dù muốn đưa máy móc vào hỗ trợ sản xuất cũng không dễ dàng gì, khi mà cuộc sống của nhiều người trong số họ vẫn chỉ là lo đủ ăn, lấy đâu ra vốn tích lũy để sắm máy móc...
Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2020: Mức độ CGH khâu làm đất bình quân cả nước đạt trên 90%; khâu gieo cấy 70%; chăm sóc 70% - 80%; thu hoạch lúa bằng máy đạt 70%... Để đạt được mục tiêu này, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp, từ khâu chính sách hỗ trợ vốn vay, ưu đãi thuế..., rộng ra là tái cơ cấu nền nông nghiệp là rất cấp thiết.
Với xuất phát điểm là một nước có nền nông nghiệp lạc hậu và hiện còn khoảng 70% dân số sinh sống bằng nghề nông, chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đã được Đảng và Nhà nước chú trọng trong tiến trình đổi mới. Để CGH nông nghiệp trở thành “bệ phóng”, hiện thực hóa mục tiêu "Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại bền vững”, Ngành Nông nghiệp cần có chiến lược đột phá trong ứng dụng CGH vào quá trình sản xuất, nhất là sản xuất lúa. Trước mắt, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án chế tạo máy nông nghiệp để nâng cấp công nghệ chế tạo. Tiếp đó là đầu tư phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thích đáng và có hiệu quả cho cơ khí phục vụ nông nghiệp và nông dân…
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Dự báo, sản xuất nông nghiệp của nước ta sẽ chịu nhiều tác động bởi TPP và nếu không có những giải pháp ứng phó hiệu quả thì nguy cơ thua trên "sân nhà" là rất rõ. Muốn thoát khỏi tình cảnh đó, rõ ràng cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp phải thay đổi, trong đó khâu ứng dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp cần được ưu tiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.