Theo dõi Báo Hànộimới trên

BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI họp Hội nghị lần thứ chín

Đức Hải - Ảnh: Viết Thành| 11/06/2017 08:26

(HNMO) - Sáng nay (11-6), Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã họp Hội nghị lần thứ chín. Chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và các đồng chí Thường trực Thành ủy.


Chủ trì hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn.

Quang cảnh Hội nghị


Hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017; kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức cán bộ của thành phố.

Duy trì đà tăng trưởng bền vững

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 của thành phố...

Sáu tháng đầu năm 2017, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước đan xen thuận lợi và khó khăn, nhưng với tinh thần "Năm kỷ cương hành chính", đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng quyết liệt, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là tập trung khắc phục khuyết điểm, hạn chế, kinh tế - xã hội của Thủ đô đạt nhiều kết quả tích cực.

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước tăng 7,37% (cùng kỳ năm trước tăng 7,34%); trong đó: dịch vụ tăng 7,42%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,55%, nông nghiệp tăng 2,25%. Chỉ tiêu xuất khẩu vượt kế hoạch và cao hơn cùng kỳ nhiều năm gần đây với kim ngạch ước đạt 5.789 triệu USD, tăng 12,1% (kế hoạch là tăng 4-5%; cùng kỳ năm 2015 giảm 1,2%, năm 2016 tăng 0,1%). 

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, thành phố có bước phát triển vượt bậc, khẳng định sự lãnh đạo kịp thời, đúng hướng của lãnh đạo thành phố về phát triển dịch vụ du lịch với việc tổ chức thành công nhiều sự kiện du lịch Hà Nội, đầu tư hạ tầng du lịch; khách du lịch ước đạt 11,85 triệu lượt, tăng 8%, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,33 triệu lượt, tăng 14%.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 102.490 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 26.883 tỷ đồng, đạt 34,4% dự toán. Quản lý thị trường được tăng cường, lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI tăng từ 3,8-3,86% so với cùng kỳ năm 2016.

Khó khăn trong sản xuất kinh doanh được quan tâm tháo gỡ; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét. Thành phố đã ban hành và thực hiện các kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp năm 2017. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Nhờ đó, thu hút vốn đầu tư phát triển tiếp tục được đẩy mạnh: vốn đăng ký ngoài ngân sách nhà nước ước đạt 190.922 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, có 58 dự án ngoài ngân sách trong nước với gần 34.178 tỷ đồng; 24 dự án PPP đạt 32.103 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới là 13.355 (tăng 16%) với tổng số vốn đăng ký là 101.476 tỷ đồng (tăng 2%); 269 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký trên 1 tỷ USD...

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận phần thảo luận về kinh tế-xã hội


Quản lý và phát triển đô thị được tăng cường, hàng loạt các công trình hạ tầng khung được triển khai đúng tiến độ (hoàn thành cầu vượt Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái; cầu vượt Cổ Linh; thông xe tuyến đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Tôn Thất Tùng, Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng)...; triển khai mạnh công tác chỉnh trang đô thị, ra quân duy trì trật tự đô thị một cách bền vững, thí điểm triển khai dự án ứng dụng trông giữ xe qua điện thoại di động iParking trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; rà soát, kiểm tra các bãi đỗ xe, kiên quyết xử lý “xe dù, bến cóc”, các bãi đỗ xe không đúng quy định; xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo, rao vặt trái phép, gây mất mỹ quan đô thị.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thành phố đã lắp đặt xong 10 trạm quan trắc không khí, 5 trạm quan trắc nước mặt; xây dựng Trung tâm điều hành quản lý, xử lý số liệu quan trắc môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Cải cách hành chính được đẩy mạnh; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng…

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng. Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được duy trì; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn phân tích, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của thành phố. Các ý kiến thống nhất cao và xác định, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2017, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đòi hỏi toàn thành phố triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp, mục tiêu đã đề ra. 

Các ý kiến tập trung góp ý vào các chương trình, giải pháp kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về vốn và thị trường; quyết liệt hơn trong giải ngân, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cơ bản; triển khai quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng, nợ thuế để hoàn thành và vượt chỉ tiêu thu ngân sách. Tiếp tục thực hiện tốt "Năm kỷ cương hành chính 2017", đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, tăng cường bảo đảm “đường thông, hè thoáng”, bảo vệ môi trường; quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Làm rõ hạn chế, đề cao trách nhiệm

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, các nội dung thảo luận, sự thống nhất cao của các đại biểu tại Hội nghị là rất quan trọng, thể hiện sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác của thành phố năm 2017.

Phân tích bối cảnh, tình hình chung với những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã duy trì sự phát triển ổn định, bền vững, đạt được những kết quả toàn diện, nhất là về các chỉ số kinh tế vĩ mô.Tuy nhiên, với mục tiêu cao của năm 2017 - năm "bản lề" trong Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của thành phố, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, địa phương còn rất nặng nề, đòi hỏi những nỗ lực, quyết liệt và sáng tạo hơn nữa trong các giải pháp, nhiệm vụ triển khai.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị


Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu mỗi cấp ủy, chính quyền, các đơn vị của thành phố tiếp tục quán triệt, nêu cao tinh thần "Năm kỷ cương hành chính", đoàn kết, thống nhất, chỉ đạo sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm trên mọi lĩnh vực, nhất là tập trung khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã được Hội nghị nêu ra. Đó là: Sức sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế cần phải bền vững và nâng cao hơn; phát triển nông nghiệp và tạo đầu ra cho nông sản chưa được quan tâm đúng mức; việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của một số ngành, quận, huyện chưa quyết liệt, chưa bảo đảm tiến độ; vi phạm trật tự xây dựng còn xảy ra, nhất là trên đất nông nghiệp; quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế; ô nhiễm môi trường, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông chưa cao, tình hình cháy nổ còn diễn biến phức tạp; cải cách hành chính còn hạn chế trong việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, kỷ cương, kỷ luật hành chính ở một số đơn vị còn chưa được thực hiện nghiêm; giải ngân xây dựng cơ bản còn chậm; tình trạng khiếu kiện còn phức tạp; công tác quản lý cán bộ, đảng viên có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, chất lượng sinh hoạt chi bộ có nơi còn hình thức...

Tán thành với 6 nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế - xã hội và 10 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng trong các báo cáo, ý kiến thảo luận nêu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội quán triệt thêm một số vấn đề cần lưu ý. Trước hết, các cấp, các ngành, địa phương rà soát, đối chiếu với các nhiệm vụ giải pháp năm 2017, làm rõ trách nhiệm của đơn vị mình, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh gắn với tái cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp, tiến độ giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản; thu hút và giải ngân đầu tư trong nước và các dự án ODA, FDI, có giải pháp đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp...

Quan tâm chỉ đạo đầu tư các công trình dân sinh bức xúc như xử lý rác, cấp nước mùa hè, thoát nước mùa mưa; chủ động phòng, chống lụt, bão, úng ngập, phòng, chống dịch bệnh. Quản lý, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành chỉ tiêu 22 xã nông thôn mới; quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế đạt chuẩn trong năm 2017.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt quản lý xây dựng, trật tự đô thị, tài nguyên môi trường, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 09 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến hết năm 2017 cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Thực hiện Chỉ thị số 08 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự văn minh đô thị trên địa bàn, các quận, huyện, thị xã, tập trung xử lý dứt điểm những trường hợp tồn đọng, không để phát sinh các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.


Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của thành phố. Kiểm tra, rà soát công tác phát triển nhà ở; việc quản lý, vận hành nhà chung cư, tái định trên địa bàn. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo…

Quyết liệt thực hiện “4 hóa” trong cải cách hành chính: “hạt nhân hóa lãnh đạo; chuẩn hóa các văn bản pháp quy; đơn giản hóa về thủ tục hành chính; tự động hóa về tổ chức thực hiện”, xây dựng chính quyền điện tử. Tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch, trách nhiệm trong giải trình với người dân; cải thiện, nâng cao chỉ số PCI; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; hoàn thành hệ thống một cửa điện tử 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến; chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với kiểm tra công vụ, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…


Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động nắm chắc tình hình cơ sở, nhất là ở những địa bàn có các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh điểm nóng, không để khiếu kiện đông người, vượt cấp… Chú trọng công tác xây dựng Đảng, nhất là củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện “dân vận khéo”, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội…

Thực hiện nghiêm túc việc khắc phục các khuyết điểm, yếu kém theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các quy chế, quy trình công tác, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ bảo đảm chất lượng, số lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, công tác nội chính, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm... Chỉ đạo tổ chức tốt Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020; Đại hội Đoàn, Đại hội Hội CCB cấp quận, huyện, Thành phố; Đại hội công đoàn cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI họp Hội nghị lần thứ chín

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.