(HNM) - Dịp cuối năm, trên các trang mạng xã hội lại xuất hiện không ít quảng cáo mời gọi vay tiền qua ứng dụng trực tuyến. Chỉ cần tải ứng dụng vay tiền từ Google Play hoặc Appstore về điện thoại, sau đó cung cấp ảnh, chứng minh nhân dân, hoặc giấy phép lái xe và sổ hộ khẩu với số tài khoản ngân hàng là có thể vay tiền một cách đơn giản. Nhưng người tiêu dùng không biết rằng, nhiều ứng dụng là cái bẫy “tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ”.
Là một trong những nạn nhân mắc bẫy của “chiêu trò” cho vay nặng lãi này, bà Nguyễn Thanh Ngân, ở xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) cho biết, cách đây 6 tháng, bà tình cờ nhận được tin nhắn cho vay tiền qua ứng dụng trên điện thoại di động. Do đang cần tiền gấp nên bà đã vay 5 triệu đồng, thời hạn 1 tháng. Nhưng thực tế, bà chỉ được nhận 3 triệu đồng, 2 triệu đồng còn lại tính thành lãi suất, phí các loại và trừ luôn trên khoản vay. Hết thời hạn, bà chưa có tiền thanh toán, "nhân viên tín dụng" gợi ý tiếp tục vay qua ứng dụng trực tuyến khác. Tới nay số tiền gốc và "lãi" mà bà Ngân còn nợ lên tới 90 triệu đồng, dù trước đó đã trả được 60 triệu đồng.
Được biết, hiện hoạt động cho vay qua ứng dụng trực tuyến không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, chủ yếu đăng ký dưới dạng công ty tư vấn đầu tư, môi giới tài chính. Theo quy định, lãi suất cho vay tối đa không vượt quá 20%/năm, các công ty thường để mức thấp hơn, rồi tính thêm rất nhiều loại phí. Tổng cộng lãi suất vì thế có thể lên tới trên 1.000%/năm.
Trước tình trạng trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa khuyến cáo, người tiêu dùng thận trọng khi sử dụng dịch vụ vay tiền trực tuyến; cần lựa chọn ứng dụng của đơn vị cung cấp dịch vụ có đầy đủ thông tin, như website, tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại...
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần thỏa thuận các mức lãi suất, mức phí và các chi phí có thể phát sinh trong những trường hợp cụ thể (trả nợ trước hạn, chậm trả, gia hạn thời gian vay, phí tư vấn dịch vụ…), đồng thời lưu giữ thông tin để có cơ sở đối chiếu khi phát sinh tranh chấp.
Tuy vậy, bên cạnh đó cũng rất cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức “núp bóng” dịch vụ tài chính để cho vay nặng lãi, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, ngăn ngừa tình trạng mất an ninh trật tự khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.