Sau 5 năm, nợ của 80 vùng ở nước Nga tăng đến mức 2.400 tỉ rúp, tương đương 42 tỉ USD. Tổng thống Nga Vladimir Putin có khoảng 3 năm để thoát khỏi cái “bẫy” 42 tỉ USD này, trước khi tình hình tồi tệ hơn.
Bloomberg hôm 20.7 đưa tin theo hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P), khu tự trị Chukotka thuộc nước Nga có khoản nợ lên đến 144% GDP.
Vùng đất được ngăn cách với Alaska chỉ bởi một eo biển hẹp trên là khu vực nợ nhiều nhất nước Nga, là một trong những vùng thể hiện rõ nét tình hình tài chính nước này. Các vùng từ Belgorod gần Ukraine đến Bắc Caucasus cũng có tỷ lệ nợ trên GDP xấp xỉ 100%.
Đồng hồ đang đếm ngược cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc giải quyết tình hình mà ông tạo ra từ năm 2012, thông qua các sắc lệnh yêu cầu tăng mức chi tiêu xã hội. Các sắc lệnh trên góp phần gia tăng gấp đôi số nợ của 80 địa phương trên toàn lãnh thổ nước Nga. Số liệu trên hiện đã lên đến 2.400 tỉ RUB, tương đương 42 tỉ USD, sau 5 năm.
5 năm qua, nợ của 80 vùng nước Nga đã lên đến mức 2.400 tỉ RUB - Ảnh: Reuters |
Theo S&P, tình trạng trên được dự báo là sẽ xấu đi trong 2 đến 3 năm tới, nâng nguy cơ về việc phải nhận cứu trợ từ ngân sách liên bang, vốn đang ở trong trạng thái thâm hụt lần đầu tiên kể từ năm 2010.
Karen Vartapetov, Phó giám đốc văn phòng tại Moscow của S&P, cho hay: “Hiện tại, chính quyền trung ương có cơ hội để giúp đỡ các địa phương. Sau 3 năm nữa, các nguồn lực sẽ cạn kiệt trong bối cảnh nợ địa phương ngày càng lớn, dẫn đến những rủi ro lớn hơn”.
Theo Bloomberg, các lệnh cấm vận vốn đã khiến Nga khó tiếp cận thị trường vốn, buộc các chính quyền địa phương phải tài trợ các dự án bằng những khoản vay ngân hàng đắt đỏ. Điều này gia tăng rủi ro tài chính tại các khu vực ở nước Nga.
Chính quyền Moscow muốn ngăn chặn khủng hoảng bằng cách giúp địa phương thay thế trái phiếu, các khoản vay thương mại bằng các khoản vay trợ cấp từ ngân sách liên bang với mức lãi suất 0,1%. Theo Thủ tướng Dmitry Medvedev, Nga sẽ phân bổ 310 tỉ RUB cho hoạt động này trong năm 2015.
Dù vậy, chính quyền các địa phương vẫn phải tiếp tục dựa vào những khoản vay thương mại, làm tăng lượng vay nợ ngân hàng lên mức 1.000 tỉ RUB tính từ đầu năm 2014 đến ngày 1.3. Hồi tháng 6, Ngân hàng trung ương Nga cho hay rủi ro mất cân bằng trong ngân sách địa phương có thể sẽ tăng trong năm nay, khi nền kinh tế đi xuống.
Bộ Tài chính tại Moscow đã từ chối bình luận về nguy cơ mà các địa phương nước này đang phải đối mặt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.