(HNM) - “Giống tiền thật đến 99%”, “giá rẻ giật mình”, “tiêu tiền thoải mái, không sợ bị phát hiện”… là những lời quảng cáo của các đối tượng lừa đảo rao bán tiền giả trên mạng internet.
Theo cơ quan công an, hầu hết việc rao bán tiền giả trên mạng internet đều là lừa đảo. |
Chiêu trò lừa đảo
Không khó để tìm một tài khoản rao bán tiền giả với số lượng lớn trên mạng. Liên hệ với chủ tài khoản Facebook “Tiền giả Lê Linh”, người này tự nhận là “đại lý tiền giả polyme” trên địa bàn Hà Nội. Để tránh bị phát hiện, chủ tài khoản chỉ đồng ý trao đổi trên tài khoản Zalo qua số điện thoại 0377290***.
Đối tượng cho biết, bản thân đang có sẵn tiền giả với các loại mệnh giá từ 50 nghìn đồng trở lên, trao đổi với tỷ lệ 1 ăn 10 (1 triệu tiền thật lấy 10 triệu tiền giả) và càng lấy số lượng lớn thì tỷ lệ đổi sẽ “hữu nghị” hơn với người mua.
Không chỉ trên Facebook, liên hệ qua số điện thoại Zalo trên các trang web “trungtamtiengia.com” hay “thegioitiengia.com” cũng nhận được những “tư vấn” về cách thức mua, bán tiền giả tương tự. Để lấy lòng tin, người bán khẳng định tiền giả xuất xứ từ Thái Lan, chỉ máy soi hiện đại mới phát hiện được.
Tuy nhiên, khi đề nghị gặp trực tiếp để bàn về giao dịch, đối tượng không đồng ý và yêu cầu chuyển tiền thật qua tài khoản ngân hàng hoặc thẻ cào điện thoại và tiền giả sau đó sẽ được chuyển tận tay người mua. “Vì bán hàng cấm nên không thể lộ diện”, đối tượng cho biết.
Theo Thượng tá Phạm Thanh Hùng, Trưởng phòng An ninh kinh tế (Công an thành phố Hà Nội), thực chất đây là các chiêu trò của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đánh vào lòng tham, tâm lý hám lợi của một số người. Các đối tượng rao bán không hề có tiền giả. Khi người mua đồng ý giao dịch, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc thanh toán thông qua thẻ cào điện thoại, các đối tượng sẽ cắt liên lạc, không chuyển tiền giả như đã hứa hẹn.
Điển hình như năm 2018, bà N.T.H. (trú ở quận Hai Bà Trưng) đã bị đối tượng Bùi Văn Hải (sinh năm 1996, trú ở thành phố Hồ Chí Minh) lừa chuyển hơn 4,2 tỷ đồng để mua 18 tỷ đồng tiền giả.
“Các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo chủ yếu là tài khoản ảo, thông tin đăng ký không có thật; trong khi các tài khoản ngân hàng được đăng ký bằng thẻ căn cước, chứng minh thư nhân dân giả hoặc của người khác nên việc điều tra, xử lý của cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn”, Thượng tá Phạm Thanh Hùng nói.
Bên cạnh đó, ngoài việc rao bán, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng tiền giả để thực hiện các hành vi phạm pháp khác. Đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nhóm đối tượng, gồm: Triệu Đình Lợi (sinh năm 1987), Dương Quốc Sơn (sinh năm 1990), Triệu Đình Thọ (sinh năm 1988), cùng trú ở huyện Thanh Trì; Trịnh Thế Nam (sinh năm 1993), trú ở quận Hà Đông về hành vi “Cướp giật tài sản”, “Lưu hành tiền giả” và “Tàng trữ tiền giả”.
Theo đó, nhóm đối tượng đặt mua điện thoại di động, yêu cầu giao hàng đến các địa điểm vắng vẻ rồi dùng tiền giả để giao dịch. Nếu người giao hàng phát hiện tiền giả thì chúng sẽ cướp giật tài sản rồi tẩu thoát. Bằng thủ đoạn này, nhóm đối tượng trên đã thực hiện trót lọt 4 vụ cướp giật trên địa bàn thành phố.
Cẩn thận để không vi phạm pháp luật
Theo Trung tá Nguyễn Thanh Hà, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội), gần đây, Công an thành phố liên tục nhận được thông tin người dân tố cáo bị lừa đảo dưới hình thức rao bán tiền giả qua Facebook, Zalo.
“Đa số nạn nhân của các vụ lừa đảo nói trên là những thanh niên, thiếu niên thiếu kiến thức pháp luật, muốn có nhiều tiền để tiêu xài nhưng lười lao động, nên dễ dàng sập bẫy của các đối tượng lừa đảo”, Trung tá Nguyễn Thanh Hà nói.
Cả người mua, người bán tiền giả đều vi phạm pháp luật. |
Đặc biệt, nguy hại là hiện nay nhiều người dân vẫn lầm tưởng, mua tiền giả thì không vi phạm pháp luật. Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) phân tích, trong những trường hợp trên cả người mua và người bán tiền giả đều vi phạm pháp luật. Thậm chí cả trong trường hợp giao dịch không thành thì người mua cũng có thể bị xử lý hình sự. Chính vì vậy, người dân cần cảnh giác, tránh tiếp tay cho tội phạm và bản thân vi phạm pháp luật mà không biết.
Nhận định đây là hình thức lừa đảo mới, tinh vi, sử dụng công nghệ cao, Thượng tá Phạm Tùng Vân, Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, các lực lượng Công an thành phố đang đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố để điều tra, làm rõ vô hiệu hóa đường dây của các nhóm tội phạm liên quan đến mua bán tiền giả.
Đồng thời, Công an thành phố cũng chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân trước những thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua rao bán tiền giả.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, mọi hành vi liên quan đến tiền giả như mua bán, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện những đối tượng có hành vi rao bán tiền giả, người dân cần thông báo tới cơ quan công an nơi gần nhất hoặc cung cấp thông tin qua trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội (www.facebook.com/CongAnThuDo) để điều tra, xử lý.
Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Tùy theo trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến tù chung thân. Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này cũng bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm...”. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.