Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử tổng thống ở Ai Cập: Nhiều ẩn số khó đoán

Trung Hiếu| 25/05/2012 06:16

(HNM) - Cử tri Ai Cập đã hoàn thành quyền và nghĩa vụ quan trọng của mình trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên kể từ khi làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011, diễn ra trong hai ngày (23 và 24-5).

Đây được xem là cuộc bầu cử lịch sử ở xứ Kim tự tháp, thu hút sự theo dõi đặc biệt của dư luận quốc tế. Tham gia cuộc bầu cử này có 12 ứng cử viên và số cử tri đăng ký bỏ phiếu là trên 50 triệu người. Khoảng 14.500 thẩm phán tham gia giám sát cuộc bầu cử, ngoài ra còn có khoảng 65.000 công chức được huy động làm nhiệm vụ hỗ trợ giám sát bầu cử tại 13.099 điểm bỏ phiếu trong toàn quốc. Lực lượng quân đội và cảnh sát cũng đã được huy động để bảo đảm an ninh cho các khu vực bầu cử. Ngoài ra còn có 49 tổ chức dân sự trong nước và 3 tổ chức dân sự nước ngoài, trong đó có Trung tâm Carter, một tổ chức xã hội dân sự do cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thành lập, đã được mời tham gia giám sát sự kiện này.

Tuy nhiên, với dư luận, cuộc bầu cử mang ý nghĩa quan trọng đặc biệt bởi đây được xem là "phép thử" đối với Ai Cập sau cơn bão "Mùa xuân Arab". Bởi kể từ khi nó quét qua, đất nước Bắc Phi này đang phải xử lý hàng loạt hệ lụy đối với kinh tế và xã hội.

Quân đội và cảnh sát đã được huy động tối đa bảo đảm cho cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập diễn ra thành công.

Sau hai ngày bầu cử, dư luận có thể thở phào nhẹ nhõm khi Ủy ban Tối cao về bầu cử tổng thống cho biết, cuộc bầu cử đã diễn ra một cách "có trật tự và hòa bình" dưới sự giám sát chặt chẽ của các thẩm phán. Ngay trong ngày bỏ phiếu đầu tiên (23-5), Ủy ban Tối cao về bầu cử tổng thống của Ai Cập đã quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm một giờ, tức là đến 9h tối giờ địa phương, để tạo điều kiện cho nhiều cử tri xếp hàng dài bên ngoài các điểm bỏ phiếu được thực hiện quyền công dân của mình. Ngày bầu cử thứ hai (24-5), các điểm bỏ phiếu cũng mở cửa cho đến 9h tối. Kết quả bầu cử sơ bộ dự kiến sẽ được công bố vào ngày 27-5 tới. Theo nhận định của giới phân tích, nhiều khả năng sẽ không có ai trong số 12 ứng cử viên của cuộc bầu cử này giành được trên 50% số phiếu bầu để trở thành người đắc cử ngay tại vòng 1, do đó theo quy định, hai ứng cử viên giành nhiều phiếu nhất sẽ tranh cử ở vòng 2, được tổ chức vào hai ngày 16 và 17-6. Tên người trở thành tân tổng thống sẽ được tuyên bố vào ngày 21-6 tới.

Hiện tại, có 4 ứng cử viên có nhiều triển vọng bước vào vòng 2 là cựu Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Amr Moussa, cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq. Hai ứng viên nữa là cựu thành viên Tổ chức Anh em Hồi giáo Abdel Moneim Abul Fotouh và Chủ tịch đảng Tự do và Công lý (FJP) Mohamed Mursi thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo, những người đến phút chót mới quyết định tham gia cuộc đua này, cũng đang có nhiều hy vọng. Dư luận cho rằng, quyết định cử ông Mohamed Mursi tham gia cuộc đua, Tổ chức Anh em Hồi giáo chứng tỏ một tham vọng mở rộng quyền lực, bởi trước đó, lực lượng này đã tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử tổng thống. Dưới thời Tổng thống H.Mubarak, Tổ chức Anh em Hồi giáo bị cấm hoạt động, nhưng sau khi ông H.Mubarak bị lật đổ, lực lượng này trở lại chính trường và bất ngờ giành thắng lợi vang dội tại cuộc bầu cử quốc hội.

Vấn đề người dân Ai Cập quan ngại bây giờ là sự can thiệp của quân đội vào những diễn biến trên chính trường. Mặc dù Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) đang nắm quyền điều hành Ai Cập đã nhiều lần cam kết chuyển giao quyền lực cho tổng thống mới vào ngày 1-7-2012, cũng như không đứng về phía bất cứ ứng cử viên nào, tuy nhiên, người dân vẫn tỏ thái độ nghi hoặc. Họ lo ngại quân đội sẽ tìm cách tác động để kết quả bầu cử có lợi cho ứng viên được quân đội ủng hộ và tiếp tục can thiệp vào chính trường nước này trong những năm tới. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến làn sóng phản đối sự duy trì quyền lực quá lâu của quân đội biến thành các cuộc biểu tình và bạo lực đẫm máu ở Ai Cập trong những tháng qua.

Hiện tại, dư luận đang hy vọng, cuộc bầu cử ở xứ Kim tự tháp này sẽ có kết quả suôn sẻ, không chỉ lựa chọn một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm mà còn gỡ được khó khăn đang đè nặng do biểu tình, bạo lực, bất ổn kéo dài. Theo thống kê, sự suy giảm các nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập, cùng với bất ổn xã hội và sản xuất đã "cuốn bay" hơn 20 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng dự trữ ngoại tệ của nước này. Rõ ràng, câu trả lời vẫn là một ẩn số khó đoán định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử tổng thống ở Ai Cập: Nhiều ẩn số khó đoán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.